Hàng hóa khuyến mại, quảng cáo không thu tiền được quy định hạch toán như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng khuyến mại nhằm thu hút khách hàng mua sản phẩm.Và tôi muốn biết hàng hóa khuyến mại, quảng cáo không thu tiền được quy định hạch toán như thế nào? Xin cám ơn!
MỤC LỤC
1. Quy định về sản phẩm, hàng hóa khuyến mại, quảng cáo
2. Nguyên tắc hạch toán hàng khuyến mại, quảng cáo
3. Hạch toán hàng khuyến mại không thu tiền tại bên bán
3.1. Hạch toán hàng khuyến mại có đăng ký với Sở Công thương
3.2. Hạch toán hàng khuyến mại không đăng ký với Sở Công thương
4. Hạch toán hàng khuyến mại tại bên mua
5. Đại lý, nhà phân phối nhận hàng để khuyến mại cho khách hàng
Trả lời:
1. Quy định về sản phẩm, hàng hóa khuyến mại, quảng cáo
Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2024/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 17. Thông báo hoạt động khuyến mại
1. Thương nhân thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại (tại địa bàn thực hiện khuyến mại) trước khi thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại Điều 12 và Điều 14 Nghị định này trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này. Hồ sơ thông báo phải được gửi đến Sở Công Thương tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).”
Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu phải theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Tức là phải đăng ký với Sở Công thương những sản phẩm đó.
Về việc lập hóa đơn thì căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC như sau:
“Điều 16. Lập hóa đơn
1. Nguyên tắc lập hóa đơn
…
b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.”
Căn cứ theo khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định giá tính thuế như sau:
“Điều 7. Giá tính thuế
5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.”
Như vậy, nếu hàng khuyến mại đăng ký với Sở Công thương thì: Giá tính thuế bằng 0, tức là Không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Trường hợp, nếu không đăng ký với Sở Công thương thì các bạn phải kê khai, tính nộp thuế như hàng cho biếu tặng.
Căn cứ theo khoản 5 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
…
5. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.”
Từ đó có thể kết luận việc hóa đơn đầu vào hàng khuyến mại sẽ được khấu trừ.
2. Nguyên tắc hạch toán hàng khuyến mại, quảng cáo
Căn cứ theo khoản 8 Điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 23. Nguyên tắc kế toán Hàng tồn kho
8. Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận và phù hợp với bản chất giao dịch. Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo thì thực hiện theo nguyên tắc:
a) Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa...., kế toán ghi nhận giá trị hàng tồn kho vào chi phí bán hàng (chi tiết hàng khuyến mại, quảng cáo);
b) Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).”
3. Hạch toán hàng khuyến mại không thu tiền tại bên bán
3.1. Hạch toán hàng khuyến mại có đăng ký với Sở Công thương
Với trường hợp này, kế toán không phải tính thuế GTGT đầu ra. Khi cung cấp hàng khuyến mại, quảng cáo cho người mua:
Trường hợp 1: Hàng hóa khuyến mại không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có TK 155, 156
Trường hợp 2: Hàng hóa khuyến mại có kèm theo các điều kiện khác, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 155, 156
Sau khi ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào giá vốn hàng bán, kế toán viên tiếp tục thực hiện bút toán phân bổ doanh thu thu được cho cả hàng hóa được bán và hàng hóa khuyến mại.
3.2. Hạch toán hàng khuyến mại không đăng ký với Sở Công thương
Nếu không đăng ký hàng khuyến mại với Sở Công Thương, doanh nghiệp phải tính thuế GTGT đầu ra như khi bán hàng hóa, dịch vụ thông thường. Số thuế GTGT đầu ra này sẽ được tính trực tiếp vào chi phí bán hàng hoặc giá vốn hàng bán.
Hóa đơn GTGT đầu ra của hàng khuyến mại không đăng ký với Sở Công Thương, sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhưng chi phí mua hàng hóa khuyến mại này sẽ được đưa vào chi phí hợp lý. Khi cung cấp hàng khuyến mại, quảng cáo cho người mua:
Trường hợp 1: hàng hóa khuyến mại không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có TK 155, 156
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
Trường hợp 2: hàng hóa khuyến mại có kèm theo các điều kiện khác, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 155, 156
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
Sau khi ghi nhận giá vốn hàng bán, kế toán viên thực hiện bút toán phân bổ doanh thu cho cả sản phẩm được bán và sản phẩm khuyến mại.
4. Hạch toán hàng khuyến mại tại bên mua
Vậy bên mua khi nhận hàng khuyến mãi hạch toán như thế nào?
- Khi nhận được hàng khuyến mại không kèm điều kiện:
Nợ TK 152, 153, 156… – Giá trị hàng khuyến mại theo giá hợp lý
Có TK 711 – Thu nhập khác
- Khi nhận được hàng khuyến mại có kèm điều kiện:
Nợ TK 152, 153, 156, 211…- giá trị hàng mua – (trừ) giá trị hàng khuyến mại
Nợ TK 152, 153, 156, 211… – giá trị hàng khuyến mại tính theo giá hợp lý
Có TK 111, 112, 131
Cách xác định giá trị hàng khuyến mại, hàng tặng thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 5357/TCT-CS như sau:
- Trường hợp hàng mua và hàng khuyến mại giống hệt nhau (chính sách mua 01 tặng 01, mua 02 tặng 01…): đơn giá của 01 đơn vị hàng hóa (bao gồm cả hàng khuyến mại) được xác định là tổng số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng hóa chia cho số lượng hàng nhận về.
- Trường hợp hàng mua và hàng khuyến mại không giống nhau (chính sách tặng kèm sản phẩm, phụ tùng thay thế…): giá trị được xác định căn cứ vào giá trị niêm yết của hàng khuyến mãi mà bên bán công bố hoặc giá trị thị trường của hàng hóa giống hệt.
5. Đại lý, nhà phân phối nhận hàng để khuyến mại cho khách hàng
Khi nhận hàng dùng cho mục đích khuyến mại (không phải trả tiền), đại lý, nhà phân phối phải theo dõi chi tiết số lượng hàng trong hệ thống quản trị nội bộ và thuyết minh bên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính đối với hàng nhận được hoặc hàng đã dùng để khuyến mại (tương tự hàng hóa nhận giữ hộ).
Khi hết chương trình khuyến mại, nếu vẫn còn tồn hàng và không phải trả lại nhà sản xuất, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 156
Có TK 711
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng mua hàng của công ty B, hợp đồng ghi nhận: (đơn vị tính VND).
Hàng mua: sản phẩm C
Số lượng: 100 sản phẩm
Giá bán (giá chưa bao gồm VAT): 800.000
Thuế GTGT: 10%
Công ty B xuất hóa đơn GTGT 110 sản phẩm C cho công ty A với 10 sản phẩm là hàng khuyến mại, công ty B đã thu tiền lô hàng bằng tiền chuyển khoản.
Hàng khuyến mại đã được công ty B đăng ký với Sở Công thương.
Giá vốn của 1 sản phẩm C là 300.000.
Công ty A nhận hàng, 100 sản phẩm nhập kho, đưa ngay 10 sản phẩm vào sử dụng ở bộ phận quản lý doanh nghiệp.
Hướng dẫn hạch toán:
Công ty B:
(i). Hạch toán giá vốn hàng bán:
Nợ TK 632 – 110 x 300.000 = 33.000.000
Có TK 156 – 33.000.000
(ii). Hạch toán ghi nhận doanh thu:
Nợ TK 112 – 88.000.000
Có TK 511 – 80.000.000
Có TK 3331 – 8.000.000
Công ty A:
(i). Hạch toán nhập kho hàng hóa:
Nợ TK 156 – 80.000.000 (11 sản phẩm)
Nợ TK 1331 – 8.000.000
Có TK 112 – 88.000.000
(ii). Hạch toán hàng đưa vào sử dụng ở bộ phận quản lý
Nợ TK 242 – 7.272.727,3 (= 80.000.000 : 11)
Có TK 156 – 7.272.727,3
Trân trọng./.