1. Giải thích từ ngữ
Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được hiểu là hành vi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp khi các tổ chức hoặc cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
2. Tội danh
«Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Cấu thành tội phạm
3.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm đến những quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp.
3.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp để hoạt động bán hàng đa cấp. Để được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp ở nước ta cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu xoay quanh các nội dung sau:
- Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp:
+ Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp;
+ Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;
+ Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
+ Có đủ điều kiện kinh doanh hoặc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trong trường hợp kinh doanh hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam;
+ Có Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng, Chương trình đào tạo cơ bản không trái quy định của pháp luật;
+ …
- Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp:
+ Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp: Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng, các tội về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản. Người nước ngoài không có Giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Như vậy, cá nhân, tổ chức muốn thực hiện hoạt động bán bán hàng đa cấp ở nước ta phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Hành vi kinh doanh đa cấp không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì cá nhân, doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng với các nội dung đã đăng ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ: Một công ty hoạt động theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký hoặc không được cấp phép bởi cơ quan nhà nước. Công ty này tuyển dụng người mới vào hệ thống mà không cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ và các quy định liên quan. Những người tham gia phải trả một khoản phí lớn để gia nhập, nhưng không nhận được sản phẩm thực sự hoặc các lợi ích như hứa hẹn.
Hậu quả của việc vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp:
- Thiệt hại cho người tham gia: Người tham gia có thể mất tiền hoặc tài sản nếu họ bị lừa đảo hoặc tham gia vào hệ thống đa cấp không minh bạch, không có sản phẩm thực sự, hoặc không nhận được các lợi ích như hứa hẹn.
- Gây tổn hại cho thị trường: Các hành vi vi phạm có thể làm giảm uy tín của ngành kinh doanh đa cấp, gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực này.
- Xử lý pháp lý: Doanh nghiệp và cá nhân vi phạm có thể bị xử lý theo pháp luật với các hình thức xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được thực hiện với lỗi cố ý.
3.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự hoặc là các pháp nhân thương mại thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự.
Trân trọng./.