1. Giải thích từ ngữ
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm các quyền mà pháp luật bảo vệ liên quan đến sở hữu công nghiệp.
2. Tội danh
“Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
3. Cấu thành tội phạm
3.1. Khách thể của tội phạm
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân qua việc vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
3.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tập trung vào các hành vi xâm phạm trực tiếp hoặc gián tiếp các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ. Những hành vi này có thể bao gồm:
- Sử dụng trái phép đối tượng quyền sở hữu công nghiệp:Sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu) mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền, hoặc không trả tiền bản quyền theo quy định pháp luật.
Ví dụ: Một công ty sản xuất và bán sản phẩm sử dụng kiểu dáng công nghiệp của một công ty khác mà không được sự đồng ý, vi phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ.
- Sao chép, sản xuất, phân phối hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp: Sao chép, sản xuất hoặc phân phối hàng hóa mà vi phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm làm hàng giả, hàng nhái có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Ví dụ: Một công ty sản xuất túi xách giả mạo thương hiệu nổi tiếng mà không có sự cho phép, sau đó bán sản phẩm với giá thấp hơn so với sản phẩm chính hãng.
- Đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn:Đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm mục đích lợi dụng uy tín và giá trị thương mại của nhãn hiệu gốc.
Ví dụ: Một doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên và logo gần giống với một thương hiệu nổi tiếng trong cùng lĩnh vực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và lợi dụng danh tiếng của thương hiệu nổi tiếng đó.
- Xâm phạm bí mật kinh doanh:Tiết lộ, sử dụng, hoặc mua bán thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, gây thiệt hại về mặt tài chính và uy tín.
Ví dụ: Một cựu nhân viên của một công ty tiết lộ công thức sản phẩm độc quyền của công ty đó cho đối thủ cạnh tranh, khiến công ty mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:Sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa có chứa đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử sử dụng một sáng chế đã được bảo hộ của công ty khác mà không có giấy phép, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu sáng chế.
Hậu quả của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể rất nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ kinh tế, xã hội, đến pháp lý. Dưới đây là các hậu quả chính:
- Thiệt hại kinh tế:
+ Đối với chủ sở hữu quyền: Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có thể mất đi thu nhập từ việc khai thác, sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Việc vi phạm làm giảm giá trị của sáng chế, nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp làm mất cơ hội kinh doanh và thiệt hại tài chính trực tiếp.
+ Đối với nền kinh tế: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp làm suy yếu động lực đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ, gây khó khăn cho việc khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghệ mới.
- Mất mát uy tín và danh tiếng:
+ Đối với chủ sở hữu quyền:Vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, chẳng hạn như làm hàng giả, hàng nhái có thể làm giảm uy tín và giá trị thương hiệu của chủ sở hữu quyền. Người tiêu dùng có thể nhầm lẫn giữa sản phẩm chính hãng và hàng giả dẫn đến việc mất niềm tin vào thương hiệu.
+ Đối với thị trường: Khi hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, chất lượng sản phẩm bị giảm sút, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt hàng thật và hàng giả, làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vào thị trường.
- Tổn hại đến xã hội và môi trường sáng tạo:
+ Suy giảm sáng tạo: Khi quyền sở hữu công nghiệp không được bảo vệ nghiêm ngặt, các cá nhân và tổ chức sẽ thiếu động lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điều này dẫn đến sự giảm sút trong việc sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tiến bộ của xã hội.
+ Gây rối trật tự thị trường:Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường, và gây mất cân bằng trong cạnh tranh kinh doanh.
- Tác động tiêu cực đến người tiêu dùng:
+ Nguy cơ tiếp cận sản phẩm kém chất lượng: Người tiêu dùng có thể mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, gây hại cho sức khỏe và tài sản của họ.
+ Mất niềm tin: Khi người tiêu dùng nhận ra rằng sản phẩm mà họ mua không phải là hàng chính hãng, niềm tin vào thương hiệu và thị trường bị suy giảm, ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trong tương lai.
Lưu ý: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam chỉ bị coi là phạm tội nếu thực hiện với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dân xđịa lý từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội hoặc pháp nhân phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với lỗi cố ý. Cá nhân, pháp nhân nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
3.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.
Pháp nhân thương mại đủ các điều kiện được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Trân trọng./.