Quyết định giám đốc thẩm số 23/2024/DS-GĐT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án dân sự về “Tranh chấp chia thừa kế”

Quyết định giám đốc thẩm số 23/2024/DS-GĐT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án dân sự về “Tranh chấp chia thừa kế”

Nội dung hủy án:

1. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc cấp xác định diện tích đất ở 200m2 và ngôi nhà cấp 4 gắn liền với thửa đất số 147 là tài sản chung của cụ H3, cụ C1; diện tích đất nông nghiệp gồm đất vườn (thửa 147), đất lúa, đất màu là tài sản chung của 07 nhân khẩu nông nghiệp là cố Trần Thị D (mẹ cụ H3), cụ H3, cụ C1, bà L, bà T1, ông H1, ông Á; trong đó phần của cụ H3, cụ C1 mỗi người là 1/7 của diện tích đất vườn, đất màu, đất lúa. Do cụ C1 không để lại di chúc nên phần di sản của cụ C1 được chia đều cho cụ H3 và 07 người con của cụ H3, cụ C1.Đối với phần di sản của cụ H3, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận di chúc của cụ H3 là hợp pháp, xác định ông Á được hưởng toàn bộ phần di sản của cụ H3. Đối với kỷ phần mà cụ Huỳnh nhận thừa kế từ cụ C1, do cụ H3 không định đoạt trong di chúc nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chia đều cho 07 người con là có căn cứ.Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không chia bằng hiện vật cho các đồng thừa kế mà giao cho ông Á nhận toàn bộ hiện vật là diện tích 588,64m2 đất, thửa đất số 147, tờ bản đồ số 02 là không phù hợp, không đảm bảo nguyên tắc phân chia tài sản chung và chia di sản thừa kế.

 

2. Lẽ ra khi chia thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải tách riêng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 04 người trực tiếp canh tác là 517.304.400 đồng; tiền hỗ trợ ổn định đời sống trong 12 tháng cho người 13 nhân khẩu là 63.648.000 đồng, tiền đền bù tài sản trên đất cho ông H1 là 10.314.180 đồng; tiền đền bù tài sản trên đất cho ông Á là 19.057.000đồng. Sau khi tách các khoản nêu trên, số tiền đền bù còn lại là của cụ H3, cụ C1 mới chia cho các đồng thừa kế; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ tách số tiền 109.465.080 đồng (tiền hỗ trợ ổn định đời sống cho 13 nhân khẩu, tiền đề bù vật kiến trúc, hoa màu, tiền thưởng đẩy nhanh tiến độ) từ đó xác định số tiền đền bù của cụ H3, cụ C1 mỗi người là 1.580.223.160 đồng/7= 225.746.165 đồng là không đúng. Đối với số tiền chênh lệch ông Á có nghĩa vụ thối trả cho các đồng thừa kế: Theo kết quả định giá thì 200m2 đất ở có trị giá 1.400.000.000 đồng, trong đó phần của cụ C1 là 700.000.000 đồng; phần của cụ H3 là 700.000.000 đồng; diện tích đất vườn 388,64m2 trị giá 57.818.720 đồng, mỗi nhân khẩu nông nghiệp là 57.818.720 đồng/2 = 8.216.960 đồng; nhà cấp 4 trị giá 102.435.000 đồng, trong đó phần của cụ C1, cụ H3 mỗi người là 102.435.000 đồng/2 = 51.217.500 đồng. Như vậy, tổng số tiền nhà và đất tại thửa đất số 145, cụ H3, cụ C1 để lại là 1.559.953.720 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Á có nghĩa vụ thối trả cho mỗi người thừa kế (1.559.953.720đ - 1.125.920.714 đồng (ông Á được nhận theo di chúc của cụ H3) = 434.003.006 đồng/6 = 72.338.834 đồng) khi chưa trừ đi số tiền ông Á được nhận thừa kế của cụ C1 là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Á.

 

3. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định không chia tài sản chung của hộ gia đình mà chỉ chia phần di sản do cụ H3, cụ C1 để lại nhưng lại giao cho ông Á sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn 388,64m2 trong khi diện tích đất vườn là tài sản chung của 07 nhân khẩu nông nghiệp là mâu thuẫn. Hơn nữa, Tòa án không buộc ông Á thối trả giá trị đất vườn thuộc phần sử dụng của 04 nhân khẩu nông nghiệp còn lại được cân đối trong hộ gia đình là cố D, ông H1, bà L, bà T1, mỗi người 8.216.960 đồng là không đúng.