TỘI CHỨA CHẤP VIỆC SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

(Theo Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015)

1. Giải thích từ ngữ

Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi của một người hoặc một tổ chức cố ý cung cấp hoặc cho phép sử dụng một địa điểm thuộc quyền quản lý hoặc sở hữu của mình để người khác thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm việc biết rõ và cho phép hoặc không ngăn cản khi người khác sử dụng ma túy tại địa điểm đó.

2. Tội danh

“Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi;

d) Đối với 02 người trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Hành vi phạm tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng chất ma túy, ngoài ra còn gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm nêu trên có một trong các dấu hiệu sau đây:

- Có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy;

- Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy: Là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy;

- Sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của mình dưới bất kỳ hình thức nào (như hút, hít, tiêm,… chất ma túy) nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy.

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

- Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định của Bộ luật Hình sự.

- Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành Tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định của Bộ luật Hình sự.

- Người nào bán trái phép chất ma túy của người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.

Hậu quả của tội phạm:

- Hậu quả trực tiếp: Hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy làm gia tăng nguy cơ nghiện ma túy trong cộng đồng. Nó tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc sử dụng ma túy, đồng thời có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm như quá liều, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường máu (HIV, viêm gan...), gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

- Hậu quả gián tiếp: Việc chứa chấp sử dụng ma túy góp phần vào việc lan rộng tệ nạn ma túy, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng xung quanh. Nó cũng làm gia tăng các tội phạm khác liên quan đến ma túy như buôn bán, vận chuyển, và sản xuất trái phép chất ma túy.

Ví dụ minh họa:

- Ví dụ 1: Một chủ nhà cho phép người khác thuê phòng trong nhà của mình để sử dụng ma túy và biết rõ hành vi này nhưng không ngăn cản, thậm chí còn nhận tiền thuê cao hơn vì biết rằng căn phòng được sử dụng vào mục đích phi pháp.

- Ví dụ 2: Một chủ quán bar hoặc karaoke cho phép khách hàng sử dụng ma túy trong phòng VIP và không báo cáo với cơ quan chức năng, nhằm thu lợi nhuận từ việc khách hàng sử dụng dịch vụ.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (người có địa điểm cho mượn, cho thuê biết rõ người mượn, người thuê là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy).

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Trân trọng./.