Quyết định giám đốc thẩm số 09/2023/HC-GĐT ngày 20/9/2023 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án hành chính về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”
Nội dung hủy án:
1. Về nguồn gốc đất: Theo hồ sơ lưu trữ tại UBND phường M, Quận Z, Thành phố H xác định phần đất có diện tích 6.893 m2 đất là đất thuê (đất trong dự án 5.971,7 m2, đất ngoài dự án 867,2 m2). Diện tích ngoài hợp đồng thuê 358,6 m2 (đất trong dự án 333,2 m2, đất ngoài dự án là 25,4m2). Diện tích đất của hộ bà H nằm ngoài dự án là 6.305 m2. Trích biên bản họp xét nguồn gốc đất ngày 09/9/2015 xác định phần đất bà H đang khiếu nại là đất công do UBND phường M quản lý, bà H sử dụng từ năm 1993. Việc thuê mặt bằng của ông Nguyễn Thanh O (Nguyễn Văn O) được thể hiện tại Hợp đồng thuê mặt bằng ngày 10/9/1991 và ngày 17/7/1993, diện tích thuê là 6.839 m2. Tòa án cấp phúc thẩm xác định nguồn gốc đất thu hồi là do gia đình ông O, bà H mua lại của bà C nhưng xác định bà C lấn chiếm đất, có văn bản lại thừa nhận bà C thuộc diện Giãn dân của Thành ủy và được cấp 950m2. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án chưa làm rõ: diện tích đất bà C được cấp có nằm trong diện tích đất bị thu hồi thuộc Dự án không, diện tích đất còn lại bà C chiếm dụng từ thời điểm nào, trước hay sau khi UBND đăng ký trong sổ dã ngoại, tài liệu trước CT02 vùng đất này có nguồn gốc như thế nào. Ngoài ra, tại BL 358, 359 thể hiện: ngày 04/11/1993, ông O (Phó phòng hậu cần Trường Trung học C4) xin cấp diện tích 500 m2 và 200 m2 để làm nhà ở, đất có nguồn gốc của bà Nguyễn Thị C, được UBND xã chấp thuận. Hồ sơ vụ án không thể hiện 700 m2 này nằm ở vị trí nào, có nằm trong diện tích đất bị thu hồi không. Nếu thuộc thì việc Nhà nước cho thuê phần đất 950m2 (trong tổng diện tích cho thuê 6.839 m2) là không đúng. Gia đình bà H phải được bồi thường diện tích 950 m2 này theo trường hợp sử dụng đất trước 15/10/1993. Nếu phần đất mua lại của bà C (hợp pháp 950 m2) không thuộc phần đất thu hồi, thì Nhà nước thu hồi của gia đình bà H để thực hiện Dự án với diện tích 6.305 m2 (Trong đó đất thuê 5.971,7 m2 đất ngoài hợp đồng thuê 333,2 m2). Không bồi thường về đất đối với diện tích 5.971,7 m2 đất thuê của Nhà nước (Công ty nhà đất hay UBND xã phường cho thuê thì cũng là đại diện cho Nhà nước) là đúng. Như vậy, đối với diện tích ngoài hợp đồng thuê 333,2 m2 thuộc trường hợp sử dụng đất trước 15/10/1993, được bồi thường theo hiện trạng đất, mức giá 105.000 đồng/m2 có thỏa đáng và phù hợp với phương án không. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ những vấn đề trên là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện được sai sót của Tòa án cấp phúc thẩm nhưng chấp nhận yêu cầu khởi kiện là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
2.Về quyết định cưỡng chế: Do Dự án không cần ban hành quyết định thu hồi đất cá biệt, bà H không khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất mà chỉ khởi kiện quyết định về bồi thường và hiện nay đất cũng đã bị cưỡng chế để chuẩn bị thực hiện Dự án nên việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định cưỡng chế là không cần thiết, khó thi hành bản án. Tuy nhiên, khi xét xử lại vụ án cần xác minh làm rõ: Quyết định cưỡng chế ban hành đối với diện tích đất bao nhiêu? Thực tế cưỡng chế diện tích bao nhiêu vì bà H có khiếu nại diện tích đất bị cưỡng chế nhiều hơn quyết định. Đồng thời, xác minh việc sử dụng đất các anh, em của ông O, bà H có nằm trong diện tích đất thuê của Nhà nước không, có thừa nhận mượn đất của ông O, bà H hay đã nhận chuyển nhượng để có chính sách bồi thường phù hợp đối với diện tích nhà, đất của những người này.