Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/LĐ-GĐT ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án lao động về: “Tranh chấp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/LĐ-GĐT ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án lao động về: “Tranh chấp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Nội dung hủy án:

Bà B xin nghỉ phép đã có sự thông báo trước, được Công ty C chấp thuận (thể hiện ở việc đã đặt vé máy bay cho bà B và không có ý kiến nào phản đối việc nghỉ phép của bà B). Tuy nhiên, ngay khi bà B chưa hết thời gian nghỉ phép, Công ty C đã thông báo cho bà B nghỉ việc; khi bà B quay trở lại làm việc thì Công ty C đã yêu cầu bảo vệ cản trở không cho bà vào làm việc. Công ty C cho rằng bà B tự ý nghỉ việc, vi phạm nội quy Công ty nhưng lại không cung cấp được hồ sơ xử lý kỷ luật lao động bà B. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty C đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà B và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: “… Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động”. Tuy nhiên, Công ty C không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà B là đúng theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Công ty C không sa thải bà B, mà do bà B tự ý bỏ việc, nên bị Công ty C đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không phù hợp với những tình tiết khách quan có trong vụ án.