Quyết định giám đốc thẩm số 02/2019/LĐ-GĐT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án lao động về “Tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ, yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và thanh toán tiền thuế thu nhập cá nhân”

Quyết định giám đốc thẩm số 02/2019/LĐ-GĐT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án lao động về “Tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ, yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và thanh toán tiền thuế thu nhập cá nhân”

Nội dung hủy án:

1. Tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 24/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000 quy định: “Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam”. Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: “Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Điểm d, khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động quy định về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam bao gồm: “Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này”. Như vậy, pháp luật chỉ quy định công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam mới bắt buộc phải có giấy phép lao động. Bà N mang quốc tịch Việt Nam, ký hợp đồng lao động làm việc tại Công ty LP với danh nghĩa là người có quốc tịch Việt Nam nên không thuộc đối tượng phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm nhận định bà N là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã có quốc tịch Hoa Kỳ nên khi vào làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động; và xác định ba hợp đồng lao động đã ký giữa Công ty cổ phần giải trí LP và bà N vô hiệu toàn bộ là không đúng quy định pháp luật.

2. Công ty LP phản tố yêu cầu bà N phải thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước vì trường hợp bà N không truy đóng tiền thuế thu nhập cá nhân thì Công ty LP sẽ phải chịu trách nhiệm nộp khoản thuế này cho Nhà nước. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ quy định về phản tố và yêu cầu của Công ty LP, chưa làm rõ khoản thuế thu nhập phải truy đóng là bao nhiêu mà đã xác định đây là yêu cầu phản tố của Công ty LP và buộc bà N phải chịu án phí đối với phần thuế thu nhập cá nhân tạm tính là không có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm là không đúng quy định pháp luật.