Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/LĐ-GĐT ngày 30/3/2020 Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án lao động về “Tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường thiệt hại”

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/LĐ-GĐT ngày 30/3/2020 Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án lao động về “Tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường thiệt hại”

Nội dung hủy án:

1. Đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc: Bà M có đơn xin thôi việc; ngày 30/11/2011, Công ty đăng kiểm cho bà M thôi việc theo nguyện vọng. Căn cứ khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 1994, được sửa đổi bổ sung năm 2007, đây là trường hợp hai bên chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng, bà M có thời gian 25 năm 11 tháng đóng bảo hiểm, nhưng chưa đủ 55 tuổi, nên theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động năm 1994 bà M thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Công ty không giải quyết chế độ thôi việc mà chỉ hỗ trợ cho bà M 5.000.000đ là không đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào Quyết định số 1527/QĐ-BHXH ngày 18/11/2013 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ để cho rằng do bà M đã được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nên không được hưởng trợ cấp thôi việc là không đúng. Căn cứ Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động thương binh và xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH quy định về cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc thì trợ cấp thôi việc của bà M được tính bằng tổng thời gian bà M làm việc tại Công ty nhân với tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động nhân với ½. Bà M làm việc tại Công ty được 25 năm 11 tháng nhưng từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2011, bà đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian tính trợ cấp thôi việc cho bà được tính từ tháng 12/1985 đến ngày 31/12/2008. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty đăng kiểm đồng ý thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho bà M 46.289.100đ nhưng phải trừ đi 8.784.679đ Công ty đăng kiểm đã đóng bảo hiểm xã hội cho bà M. Yêu cầu này của Công ty là không đúng, gây thiệt hại cho bà M. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác yêu cầu này của nguyên đơn là không phù hợp quy định pháp luật.

2. Đối với yêu cầu bồi thường do chậm thanh toán tiền bảo hiểm: Việc chậm thanh toán tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp là lỗi của Công ty đăng kiểm. Bộ luật lao động không có quy định về tính lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ nên cần áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết. Căn cứ khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005, “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, Công ty phải chịu lãi suất trên số tiền chưa thanh toán theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm chi trả. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu này là không đảm bảo quyền lợi cho bà M.