
Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là gì? An toàn sinh học trong chăn nuôi là gì? Giám sát dịch bệnh động vật là gì? Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được quy định thực hiện như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Nhà tôi đang nuôi gà với heo, giờ muốn mở rộng quy mô mà nghe nói phải đạt chuẩn vùng an toàn dịch bệnh thì mới được hỗ trợ, dễ bán cho doanh nghiệp. Vậy tôi muốn hỏi: Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh là gì vậy? An toàn sinh học trong chăn nuôi có nghĩa là sao? Mình phải làm gì để được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh? Và có ai kiểm tra, giám sát dịch bệnh giúp mình không? Mong luật sư giải đáp thắc mắc.
MỤC LỤC
1. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là gì?
2. An toàn sinh học trong chăn nuôi, giám sát dịch bệnh động vật là gì?
3. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Thú y 2015 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
5. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng, cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.”
Theo đó, vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được hiểu là những vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật mà được xác định là không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian theo quy định cho từng bệnh cũng như từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng, cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.
Theo thông tin họp báo chiều ngày 02/01/2025, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến đầu năm 2025 cả nước có khoảng 3.750 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 63 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.505 cơ sở an toàn dịch bệnh.
2. An toàn sinh học trong chăn nuôi, giám sát dịch bệnh động vật là gì?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được bổ sung bởi khoản 1 Điều 26 Thông tư số 09/2025/BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về chăn nuôi và thú y đã quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi và giám sát dịch bệnh động vật như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. An toàn sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là việc áp dụng các biện pháp lý hóa, sinh học và quản lý nhằm giảm thiểu, loại trừ các tác nhân gây bệnh có nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài vào, tồn tại, lây lan bên trong, phát tán ra khỏi cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2. Giám sát dịch bệnh động vật là toàn bộ các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá sức khỏe động vật trong suốt quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại cơ sở, vùng để phát hiện, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.”
Theo đó, an toàn sinh học trong chăn nuôi được hiểu là việc áp dụng các biện pháp lý hóa, sinh học và cả quản lý nhằm mục đích giảm thiểu, loại trừ đi các tác nhân gây bệnh có nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài vào, tồn tại, lây lan bên trong, phát tán ra khỏi cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn như trong công tác xử lý khi có dịch bệnh, để đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi bà con phát hiện gia súc, gia cầm chết, chết hàng loạt phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết và gọi điện thoại đến đường dây nóng của tỉnh để xử lý kịp thời. Không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực ao hồ xung quanh trại.
Còn đối với giám sát dịch bệnh động vật là toàn bộ các hoạt động liên quan đến theo dõi, kiểm tra cũng như đánh giá sức khỏe động vật trong suốt quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở, cùng để phát hiện, dự báo và cảnh báo sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh để áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ví dụ như tại một trang trại nuôi gà, việc giám sát dịch bệnh có thể bao gồm theo dõi sức khỏe hàng ngày, kiểm tra định kỳ thông qua xét nghiệm máu, phân; ghi chép và lưu trữ thông tin về các loại vắc-xin đã sử dụng, thời gian sử dụng, kết quả xét nghiệm,...
3. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được quy định như thế nào?
Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là một trong những định hướng quan trọng nhằm kiểm soát dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Căn cứ Điều 8 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về xây dụng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh như sau:
“Điều 8. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
1. Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải đáp ứng các yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật về thú y của Việt Nam và quy định quốc tế; phù hợp với điều kiện của vùng sinh thái, lợi thế vùng, miền gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
2. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.”
* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).
Quy định trên góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững và hội nhập. Việc xây dựng và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Trân trọng./.