Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận và duy trì điều kiện vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định thực hiện như thế nào?

Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận và duy trì điều kiện vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định thực hiện như thế nào?

Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận và duy trì điều kiện vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định thực hiện như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang chăn nuôi heo ở địa phương và có nghe nói nếu vùng mình được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh thì sẽ dễ bán hàng hơn, nhất là khi liên kết với doanh nghiệp. Vậy cho tôi hỏi, muốn được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh thì phải làm thủ tục ra sao? Và sau khi được cấp rồi thì cần làm gì để giữ được chứng nhận đó lâu dài ạ?

MỤC LỤC

1. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật gồm những gì? Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký được quy định ra sao?

2. Tổ chức đánh giá và nội dung đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật được quy định như thế nào?

3. Việc cấp, cấp lại và hiệu lực của Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được thực hiện như thế nào?

4. Đánh giá định kỳ, đột xuất tại vùng an toàn dịch bệnh động vật thực hiện ra sao?

5. Cần duy trì điều kiện của vùng sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật như thế nào?

 

Trả lời:

1. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật gồm những gì? Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký được quy định ra sao?

Hiện nay, để trở thành vùng an toàn dịch bệnh động vật cần phải đăng ký công nhận ở cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, pháp luật đã quy định chi tiết hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật tại Điều 26 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT) được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 26, khoản 2 Điều 29Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT”) chi tiết như sau:

Điều 26. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật xã), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức lập hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh và nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan cấp giấy theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản mô tả thông tin về vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với trường hợp vùng chưa đạt yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 29, Ủy ban nhân dân gửi báo cáo khắc phục sai lỗi đến Cơ quan cấp giấy theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Dẫn chiếu đến điểm c khoản 5 Điều 29 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định:

Điều 29. Nội dung đánh giá tại vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

...

5. Tại thời điểm kết thúc việc kiểm tra, đánh giá tại vùng, Đoàn đánh giá:

...

c) Thống nhất với Ủy ban nhân dân về thời gian, nội dung khắc phục sai lỗi với các trường hợp không đạt yêu cầu.”

Ngoài việc quy định hồ sơ đăng ký thì pháp luật còn quy định rõ việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật cụ thể tại Điều 27 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNTđược sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT như sau:

Điều 27. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp giấy tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp giấy thông báo cho Ủy ban nhân dân về kế hoạch đánh giá thực tế tại vùng. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan cấp giấy thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân để hoàn thiện.

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp giấy tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp giấy cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan cấp giấy thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân để hoàn thiện.”

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, pháp luật đã quy định rõ ràng, chi tiết về hồ sơ, tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật, đồng thời tạo cơ chế khắc phục khi hồ sơ chưa đạt yêu cầu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm chuẩn hóa quy trình, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền địa phương và người dân trong việc xây dựng và duy trì vùng chăn nuôi an toàn, phục vụ tốt cho tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

2. Tổ chức đánh giá và nội dung đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật được quy định như thế nào?

Sau khi hồ sơ đăng ký vùng an toàn dịch bệnh được thẩm định, việc đánh giá thực tế tại vùng là bước quan trọng nhằm xác minh mức độ đáp ứng các điều kiện về an toàn dịch bệnh theo quy định. Vì vậy, Điều 28 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT quy định về tổ chức đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật như sau:

Điều 28. Tổ chức đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày thẩm định xong nội dung của hồ sơ, Cơ quan cấp giấy tổ chức Đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá tại vùng theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.

2. Thành phần Đoàn đánh giá gồm:

a) Trưởng đoàn: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Cơ quan cấp giấy;

b) Thành viên: Là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp phòng của Cơ quan cấp giấy và các đơn vị khác có liên quan.

3. Số lượng thành viên tham gia Đoàn đánh giá: Không quá 07 người.”

Dẫn chiếu đến Điều 29 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNTđược sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT quy định chi tiết về nội dung đánh giá tại vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật như sau:

Điều 29. Nội dung đánh giá tại vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Tại thời điểm đánh giá, Đoàn lựa chọn ngẫu nhiên một số cơ sở trong vùng để đánh giá các nội dung theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 Thông tư này và điều kiện an toàn sinh học các khu vực chung trong vùng.

2. Đánh giá mức độ đáp ứng các quy định tại các Điều 22, 23 và Điều 25 Thông tư này.

3. Kiểm tra việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

4. Trong quá trình đánh giá, nếu phát hiện động vật có dấu hiệu nghi mắc bệnh hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, Đoàn đánh giá lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

5. Tại thời điểm kết thúc việc kiểm tra, đánh giá tại vùng, Đoàn đánh giá:

a) Lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục VIII (đối với vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật trên cạn) hoặc Phụ lục IX (đối với vùng đăng ký an toàn bệnh Dại động vật) hoặc Phụ lục XI (đối với vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật thủy sản) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo kết quả đánh giá cho Ủy ban nhân dân, đồng thời báo cáo kết quả đánh giá bằng văn bản cho lãnh đạo Cơ quan cấp giấy;

c) Thống nhất với Ủy ban nhân dân về thời gian, nội dung khắc phục sai lỗi với các trường hợp không đạt yêu cầu.

6. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh lây lan sang người hoặc dịch bệnh động vật nguy hiểm phải công bố dịch theo quy định của pháp luật về thú y: Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 16 Thông tư này.”

Quy định trên cho thấy quy trình đánh giá vùng đăng ký an toàn dịch bệnh đng vật được tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học và minh bạch. Việc thành lập Đoàn đánh giá với thành phần chuyên môn phù hợp, giới hạn số lượng thành viên và thời hạn cụ thể giúp bảo đảm tính kịp thời và hiệu quả trong quá trình kiểm tra thực tế. Nội dung đánh giá được xây dựng toàn diện, từ việc lựa chọn ngẫu nhiên các cơ sở để kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định cho đến lập biên bản, thông báo kết quả và hướng dẫn khắc phục sai lỗi nếu có. Qua đó, tăng độ tin cậy cho các vùng chăn nuôi đăng ký an toàn, phục vụ tốt cho việc tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

3. Việc cấp, cấp lại và hiệu lực của Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được thực hiện như thế nào?

Sau bước đánh giá tại vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật là việc cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT như sau:

Điều 30. Cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 09 ngày kể từ ngày kết thúc việc đánh giá tại vùng hoặc kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư này:

a) Cơ quan cấp giấy cấp Giấy chứng nhận cho vùng đạt yêu cầu và bổ sung tên vùng vào danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;

b) Cơ quan cấp giấy có văn bản trả lời nêu rõ lý do với trường hợp vùng có kết quả đánh giá không đạt yêu cầu.

2. Mẫu Giấy chứng nhận: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này.”

Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận này sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp và hết hiệu lực nếu thuộc trong các trường hợp theo quy định của pháp luật, chi tiết tại Điều 31 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNTđược sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT như sau:

Điều 31. Hiệu lực Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Giấy chứng nhận có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp.

2. Giấy chứng nhận hết hiệu lực thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Sau 05 năm kể từ ngày cấp;

b) Ủy ban nhân dân có văn bản gửi Cơ quan cấp giấy thông báo không có nguyện vọng duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh của vùng;

c) Vùng xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại vùng;

d) Không thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện vùng an toàn dịch bệnh quy định tại Điều 34 Thông tư này hoặc không thực hiện khắc phục sai lỗi theo kết quả kiểm tra của Cơ quan cấp giấy;

đ) Cung cấp hồ sơ, dữ liệu không chính xác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

3. Cơ quan cấp giấy đưa tên vùng ra khỏi danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với các vùng quy định tại khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, việc cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật cũng được pháp luật quy định chi tiết các trường hợp theo Điều 32 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT như sau:

Điều 32. Cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Cơ quan cấp giấy thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận đối với các trường hợp sau:

a) Vùng có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Thông tư này;

b) Vùng có Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực nhưng bị hỏng, thất lạc hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin trên Giấy chứng nhận;

c) Đã thực hiện các biện pháp khắc phục sai lỗi và thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh đối với trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 31 Thông tư này;

d) Xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại vùng; đã xử lý dịch bệnh theo quy định và thực hiện giám sát dịch bệnh theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

a) Ủy ban nhân dân nơi đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan cấp giấy theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Vùng thuộc trường hợp có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Thông tư này, Ủy ban nhân dân gửi hồ sơ trong khoảng thời gian 03 tháng trước khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận;

b) Hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật bao gồm: Văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với vùng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này), báo cáo xử lý dịch bệnh và kết quả giám sát dịch bệnh (đối với vùng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này);

c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ vào kết quả đánh giá định kỳ hàng năm hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này), hoặc báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh và giám sát dịch bệnh (đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này) Cơ quan cấp giấy thẩm định và cấp lại Giấy chứng nhận cho vùng. Trường hợp không cấp lại, Cơ quan cấp giấy phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Mẫu Giấy chứng nhận được cấp lại: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này.

4. Hiệu lực của Giấy chứng nhận được cấp lại

a) Đối với trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này, hiệu lực của Giấy chứng nhận là 05 năm kể từ ngày cấp lại;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, hiệu lực của Giấy chứng nhận được giữ nguyên như Giấy chứng nhận đã được cấp trước đó.”

Từ những quy định trên, ta thấy rằng pháp luật không những quy định toàn diện các vấn đề mà còn quy định một cách cụ thể, rõ ràng mang tính hướng dẫn cao cho người dân, giúp các địa phương chủ động hơn trong quản lý dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăn nuôi và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

4. Đánh giá định kỳ, đột xuất tại vùng an toàn dịch bệnh động vật thực hiện ra sao?

Nhằm kiểm tra và phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra trong vùng, Điều 33 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNTđược sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT đã quy định chi tiết việc đánh giá định kỳ, đột xuất tại vùng an toàn dịch bệnh động vật như sau:

Điều 33. Đánh giá định kỳ, đột xuất tại vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Đánh giá định kỳ

Định kỳ hằng năm, theo kế hoạch quy định tại khoản 4 Điều 35 hoặc khoản 4 Điều 36 Thông tư này, Cơ quan cấp giấy thông báo và thực hiện kế hoạch đánh giá 01 lần đối với vùng đã được công nhận an toàn, nội dung đánh giá bao gồm:

a) Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 29 Thông tư này và kết quả triển khai các kế hoạch hoạt động của vùng trong năm;

b) Kết quả xét nghiệm bệnh của Phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này và việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật.

2. Đánh giá đột xuất

Cơ quan cấp giấy thành lập Đoàn đánh giá khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Phát hiện vùng an toàn dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh;

b) Theo yêu cầu của nước nhập khẩu (đối với các trường hợp vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu hoặc hỗn hợp);

c) Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

3. Kết quả kiểm tra, đánh giá định kỳ tại vùng an toàn dịch bệnh được thể hiện trong Biên bản kiểm tra của Đoàn đánh giá. Các trường hợp kiểm tra không đạt yêu cầu, Cơ quan cấp giấy phải có thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thành khắc phục sai lỗi.

4. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh thực hiện đánh giá theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Thông tư này.”

Việc đánh giá định kỳ và đột xuất theo quy định trên không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh mà còn là biện pháp nhắc nhở, thúc đẩy địa phương và cơ sở chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các cam kết an toàn. Thông qua các đợt kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hoặc sai lệch, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu khắc phục kịp thời, góp phần duy trì chất lượng vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm niềm tin đối với thị trường trong nước cũng như quốc tế.

5. Cần duy trì điều kiện của vùng sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật như thế nào?

Việc được cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật không đồng nghĩa với việc vùng đó sẽ luôn giữ được trạng thái an toàn nếu không duy trì thường xuyên các điều kiện theo quy định. Vì vậy, pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của địa phương và cơ sở chăn nuôi để duy trì điều kiện của vùng sau khi cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật tại Điều 34 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNTđược sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT như sau:

Điều 34. Duy trì điều kiện của vùng sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Duy trì điều kiện đối với vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 22 Thông tư này. Thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh đối với bệnh đã được công nhận an toàn, bao gồm cả việc lấy mẫu đúng, đủ số lượng với tần suất tối thiểu 01 lần/12 tháng và gửi mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

2. Thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại vùng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cơ quan cấp giấy.

3. Duy trì thực hiện kế hoạch an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc động vật, vật tư đầu vào vùng theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.”

* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).

Quy định trên cho thấy việc duy trì điều kiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật là yêu cầu bắt buộc và mang tính liên tục. Từ giám sát dịch bệnh định kỳ, duy trì an toàn sinh học đến quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc động vật, vật tư đầu vào theo quy định. Tất cả đều nhằm bảo đảm vùng luôn trong trạng thái kiểm soát tốt về dịch tễ. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững hiệu lực của Giấy chứng nhận, đồng thời khẳng định tính nghiêm túc và bền vững trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý