Chăn nuôi là gì? Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi và hợp tác quốc tế về chăn nuôi được quy định như thế nào?

Chăn nuôi là gì? Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi và hợp tác quốc tế về chăn nuôi được quy định như thế nào?

Chăn nuôi là gì? Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi và hợp tác quốc tế về chăn nuôi được quy định như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang nuôi bò và gà ở quê, nhưng chỉ làm nhỏ lẻ, tự phát thôi. Gần đây có nghe nói Nhà nước khuyến khích liên kết sản xuất trong chăn nuôi để dễ bán hàng, giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả. Không biết pháp luật hiện nay quy định thế nào về chăn nuôi, rồi việc hợp tác giữa các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp hay hợp tác quốc tế thì có được hỗ trợ hay ưu tiên gì không ạ? Mong luật sư giải thích giúp tôi hiểu rõ hơn!

MỤC LỤC

1. Pháp luật hiện nay quy định chăn nuôi được hiểu như thế nào?

2. Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi được quy định như thế nào?

3. Hợp tác quốc tế về chăn nuôi được quy định ra sao?

 

Trả lời:

1. Pháp luật hiện nay quy định chăn nuôi được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về chăn nuôi như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.”

Từ quy định trên của pháp luật, chăn nuôi được hiểu là một ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động liên quan trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, kể cả về điều kiện chăn nuôi. Ngoài ra các hoạt động về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi như giết mổ vật nuôi; mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi; bảo quản sản phẩm chăn nuôi; dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi; xuất khẩu, nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi cũng là lĩnh vực hoạt động của ngành chăn nuôi.

2. Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi được quy định như thế nào?

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi ngày càng chịu áp lực về cạnh tranh, chất lượng và đầu ra sản phẩm, việc hợp tác, liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất chăn nuôi trở thành xu hướng tất yếu. Nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn và bền vững, pháp luật đã quy định rõ về hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi tại Điều 9 Luật Chăn nuôi 2018 cụ thể như sau:

Điều 9. Hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi

1. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong hoạt động chăn nuôi để có đủ sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi phải ký kết hợp đồng, được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi.”

Dẫn chiếu đến Điều 4 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi

1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi;

b) Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.

2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;

b) Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;

d) Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;

đ) Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi;

b) Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác;

c) Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.”

Quy định trên khẳng định vai trò quan trọng của việc liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tăng cường sự phối hợp giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Sự hỗ trợ của Nhà nước về hạ tầng, dịch vụ và xúc tiến thương mại cũng tạo nền tảng để các mô hình hợp tác phát triển bền vững, minh bạch và gắn chặt với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

3. Hợp tác quốc tế về chăn nuôi được quy định ra sao?

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, ngành chăn nuôi không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà cần mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, Điều 10 Luật Chăn nuôi 2018 đã quy định cụ thể về hợp tác quốc tế về chăn nuôi như sau:

Điều 10. Hợp tác quốc tế về chăn nuôi

1. Đàm phán, ký kết, thực hiện thỏa thuận, điều ước quốc tế về chăn nuôi.

2. Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong chăn nuôi.

3. Trao đổi nguồn gen quý, hiếm; trao đổi giống vật nuôi, giống cây thức ăn chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Hợp tác trong xây dựng và thừa nhận lẫn nhau về hệ thống chứng nhận chất lượng trong chăn nuôi.

Qua đó, cho thấy được hợp tác quốc tế là một hướng đi quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, hiệu quả và bền vững. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về chăn nuôi, Việt Nam có thể nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và chủ động thích ứng với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ sở để ngành chăn nuôi hội nhập sâu rộng và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, cạnh tranh hơn.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý