Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định như thế nào?

Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định như thế nào?

Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang nuôi bò và heo ở quê, giờ muốn mở rộng quy mô chăn nuôi mà nghe nói phải nằm trong vùng an toàn dịch bệnh thì mới dễ bán, nhất là muốn bán ra nước ngoài. Vậy xin hỏi, điều kiện để được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật thì được quy định cụ thể như thế nào ạ? Cảm ơn luật sư.

MỤC LỤC

1. Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định gồm những gì?

2. Tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật là như thế nào?

3. Việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc cần tuân theo quy định nào?

4. Hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật được quy định ra sao?

 

Trả lời:

1. Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định gồm những gì?

Để được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 22 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT”) được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y, chi tiết như sau:

Điều 22. Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan cấp giấy

a) Vùng chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản do Cơ quan cấp giấy xác định và đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật quyết định và chỉ đạo tổ chức xây dựng;

b) Hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong vùng phải bảo đảm có đủ nguồn lực để kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;

c) Có biện pháp kiểm soát đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trước khi vào vùng an toàn dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, lây lan trong vùng;

d) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Thông tư này;

đ) Các cơ sở giết mổ động vật, chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh trong vùng phải được Cơ quan cấp giấy giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về thú y.

2. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

3. Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư này.

4. Hoạt động thú y tại vùng được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.”

Theo đó, được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện trên theo quy định của pháp luật là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi và hướng đến việc xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ động vật đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững.

2. Tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật là như thế nào?

Căn cứ theo Điều 23 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật như sau:

Điều 23. Tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Không có ca bệnh của bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

2. Có kết quả giám sát đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.”

Dẫn chiếu đến Điều 7 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT đã được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y, chi tiết như sau:

Điều 7. Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu

1. Đối với cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;

b) Cơ sở không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục I của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn (không có tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên);

c) Cơ sở áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch; số lượng mẫu giám sát sau tiêm phòng theo quy định tại mục II của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; tỷ lệ động vật có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải dạt từ 70% trở lên;

d) Trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện giám sát sau tiêm phòng, cơ sở được phép áp dụng giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên theo quy định tại điểm b khoản này, hoặc thực hiện việc tiêm phòng lại và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Tần suất lấy mẫu: Lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với cơ sở duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh.

2. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;

b) Số lượng mẫu giám sát theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Phương thức giám sát phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn;

c) Tần suất lấy mẫu: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Đối với vùng chăn nuôi động vật trên cạn

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê nhiều giai đoạn;

b) Vùng không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát bệnh để phát hiện mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục III của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn (không có tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên);

c) Vùng áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục II của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; tỷ lệ động vật có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải đạt từ 70% trở lên;

d) Trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện giám sát sau tiêm phòng, vùng được phép áp dụng giám sát bệnh để phát hiện mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên theo quy định tại điểm b khoản này, hoặc thực hiện việc tiêm phòng lại và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Tần suất lấy mẫu: Lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với vùng lần đầu đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với vùng duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh;

e) Phương pháp lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu giám sát đối với cơ sở được lựa chọn trong vùng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

4. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản

a) Căn cứ vào số lượng cơ sở hoạt động và số ao/bể đang sản xuất trong cơ sở tại thời điểm lấy mẫu để tính số lượng cơ sở và số lượng ao/bể cần phải lấy mẫu giám sát, áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê để lựa chọn cơ sở, ao/bể lấy mẫu;

b) Số lượng cơ sở cần phải lấy mẫu giám sát và số lượng mẫu cần lấy tại mỗi cơ sở theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Phương thức giám sát là phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số cơ sở âm tính đối với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn;

c) Tần suất lấy mẫu: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

d) Phương pháp lấy mẫu, chủng loại mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu giám sát đối với cơ sở được lựa chọn trong vùng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Phương pháp lấy mẫu, chủng loại mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu giám sát

a) Thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc theo hướng dẫn đối với từng bệnh cụ thể của Cục Chăn nuôi và Thú y đối với lấy mẫu động vật trên cạn và Cục Thủy sản và Kiểm ngư đối với lấy mẫu động vật thủy sản;

b) Trường hợp cơ sở có nhân viên kỹ thuật đã được Cơ quan cấp giấy tập huấn lấy mẫu, bảo quản mẫu: Cơ sở chủ động lấy mẫu theo kế hoạch và phải thống nhất với Cơ quan cấp giấy để giám sát quá trình lấy mẫu;

c) Trường hợp cơ sở chưa có nhân viên kỹ thuật được Cơ quan cấp giấy tập huấn lấy mẫu, bảo quản mẫu: Cơ sở thống nhất với Cơ quan cấp giấy để tổ chức lấy mẫu cho cơ sở;

d) Các hoạt động lấy mẫu, giám sát lấy mẫu phải có biên bản lưu giữ trong hồ sơ giám sát tại cơ sở hoặc tại vùng.

6. Xét nghiệm mẫu giám sát

a) Mẫu giám sát phục vụ mục đích đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm trực thuộc Cục Thú y, được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025 và phải sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y;

b) Mẫu giám sát phục vụ mục đích đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh nhưng không thuộc điểm a khoản này phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm trực thuộc Cơ quan cấp giấy được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025, được Cục Thú y đánh giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định; sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y;

c) Mẫu giám sát phục vụ mục đích duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này hoặc phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật); sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y.

7. Trường hợp kết quả xét nghiệm mẫu giám sát dương tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn, Cơ quan cấp giấy hướng dẫn cơ sở, vùng thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh theo quy định. Chủ cơ sở, Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp điều chỉnh và thực hiện lại các kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh theo thời gian quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này, bắt đầu từ thời điểm xử lý xong dịch bệnh.”

Quy định trên về tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn thể hiện sự nghiêm ngặt trong công tác kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh động vật. Việc yêu cầu không có ca bệnh nào của bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất là 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký và kết quả giám sát đạt yêu cầu theo quy định nhằm bảo đảm tính ổn định, an toàn dịch tễ trong vùng, từ đó nâng cao độ tin cậy, chất lượng sản phẩm chăn nuôi và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y trong nước cũng như quốc tế.

3. Việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc cần tuân theo quy định nào?

Việc quản lý đầy đủ thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh. Đây không chỉ là cơ sở để cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát hiệu quả công tác phòng, chống dịch mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi. Cụ thể Điều 24 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định như sau:

Điều 24. Quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

1. Các cơ sở trong vùng tuân thủ việc lưu giữ thông tin theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng hợp lưu giữ các tài liệu liên quan đến hoạt động chung của vùng.

3. Tài liệu lưu giữ tại vùng phải cung cấp được các bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh.

4. Thông tin, dữ liệu phải được ghi chép, lưu giữ minh bạch, thuận lợi cho việc kiểm tra, truy xuất.”

Dẫn chiếu đến Điều 12 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 29 Thông tư số 09/2025/BNNMT quy định như sau:

Điều 12. Quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

1. Thông tin, dữ liệu phải lưu giữ

a) Thực hành an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và quản lý của cơ sở;

b) Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào cơ sở;

c) Hoạt động phòng bệnh cho động vật nuôi (loại vắc xin sử dụng, ngày sử dụng vắc xin); nguồn thức ăn (loại, số lượng); hoạt động vệ sinh, khử trùng tiêu độc (loại hóa chất khử trùng, liều lượng); nhật ký người ra, vào cơ sở;

d) Thông tin về tình trạng dịch bệnh tại cơ sở và các biện pháp xử lý động vật mắc bệnh (nếu có): Thời gian phát bệnh, dấu hiệu của bệnh, số lượng động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo từng ngày, kết quả xét nghiệm (phòng xét nghiệm, loại mẫu, số lượng mẫu, ngày gửi mẫu và kết quả xét nghiệm); thuốc, vắc xin thú y và thời gian sử dụng; biện pháp xử lý động vật mắc bệnh; cấp nước, xử lý nước thải; xử lý môi trường và biện pháp chống dịch;

đ) Tài liệu đào tạo, tập huấn;

e) Hồ sơ gốc đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.

2. Thời gian lưu giữ dữ liệu, tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

3. Hệ thống truy xuất nguồn gốc

a) Đảm bảo lưu giữ đầy đủ các loại thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có biện pháp đánh dấu, nhận diện đối với từng cá thể hoặc có biện pháp truy xuất phù hợp đối với cơ sở chăn nuôi, ao nuôi, đợt nuôi theo hướng dẫn của Cơ quan cấp giấy;

c) Hệ thống dữ liệu phải bảo đảm truy xuất được động vật đưa vào, ra khỏi cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tình trạng sức khỏe động vật và các hoạt động thú y có liên quan trong suốt quá trình nuôi;

d) Có hệ thống quản lý, nhận diện nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ các lô thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm nhập vào và sử dụng trong cơ sở.”

Quy định trên cho thấy yêu cầu chặt chẽ trong việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo đảm mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong vùng được thực hiện minh bạch, có thể kiểm tra và xác minh rõ ràng. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả giám sát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi và đáp ứng các tiêu chuẩn chung của ngành chăn nuôi hiện đại.

4. Hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật được quy định ra sao?

Căn cứ Điều 25 Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật như sau:

Điều 25. Hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật

Hoạt động thú y trong vùng được thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25 và Điều 27 Luật Thú y (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn) hoặc các Điều 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản), các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật (trong phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y) và các quy định tại Thông tư này.”

* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).

Quy định trên về hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh thể hiện yêu cầu chặt chẽ và toàn diện trong việc kiểm soát dịch bệnh từ phòng ngừa đến xử lý, từ kiểm dịch đến quản lý thuốc và hành nghề thú y. Việc tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là điều kiện bắt buộc để bảo đảm vùng được kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần xây dựng nền chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý