TỘI ĐÁNH TRÁO NGƯỜI DƯỚI 01 TUỔI

(Theo Điều 152 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Giải thích từ ngữ

Đánh tráo người dưới 01 tuổi được hiểu là hành vi cố ý tráo đổi một đứa trẻ dưới 01 tuổi với đứa trẻ khác nhằm đạt được mục đích riêng như lợi ích cá nhân hoặc để che giấu một hành vi bất hợp pháp khác. Hành vi này có thể bao gồm việc tráo đổi trẻ em trong bệnh viện, cơ sở y tế, hoặc tại nơi khác mà đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Tội danh

“Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Phạm tội 02 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Hành vi đánh tráo trẻ em là hành vi khiến trẻ em phải rời xa bố mẹ của mình từ khi chưa đầy 01 tuổi.

Tội phạm đã xâm phạm đến quyền được sống cùng cha mẹ ruột của trẻ em dưới 01 tuổi. Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền tự do, quyền được chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ ruột của trẻ em dưới 01 tuổi và quyền quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em dưới 01 tuổi của cha mẹ.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi.

- Đánh tráo trẻ em là dùng trẻ em này để đổi lấy một trẻ em khác theo ý muốn của mình. Việc đánh tráo này thường xảy ra trong các nhà hộ sinh, khi đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn của cha mẹ chúng như: mong muốn có con trai thì lại sinh ra con gái hoặc ngược lại. Hành vi đánh tráo có thể do chính bố mẹ đứa trẻ thực hiện nhưng cũng có thể do thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trong Bệnh viện hoặc nhà hộ sinh thực hiện hoặc do người khác thực hiện.

Nạn nhân của tội phạm này phải là trẻ em dưới 01 tuổi, để xác định đổ tuổi của trẻ em, nhà làm luật có đưa ra các căn cứ xác định tuổi của nạn nhân quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Cần phải xác minh thêm về độ tuổi của người bị đánh tráo dưới 01 tuổi thông qua qua các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH như sau: 

“Điều 6. Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi

1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

….”

Lưu ý: 

- Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. 

- Nếu hậu quả việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được cọi là phạm tội chưa đạt.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả chia tách người dưới 01 tuổi khỏi cha mẹ của họ nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.

- Động cơ phạm tội có thể rất nhiều, nhưng chủ yếu là do quan niệm trọng nam khinh nữ hoặc như con sinh ra bị tàn tật, có dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh như bệnh tim bẩm sinh, hở hàm ếch,…

- Mục đích là đánh tráo trẻ sơ sinh này để đổi lấy một đứa trẻ sơ sinh khác. 

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên.

- Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, nhưng trên thực tế người phạm tội này thường là chính cha mẹ ruột của trẻ em dưới 01 tuổi, hoặc người làm trong chính cơ sở bệnh viện, nhà hộ sinh.

- Thứ hai, theo khoản 1 Điều 16 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm, khoản 2 Điều này quy định một số tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 2 Điều 16 đã liệt kê các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không bao gồm tội phạm đánh tráo người dưới 01 tuổi. Do vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là người từ đủ 16 tuổi.

- Thứ ba, chủ thể của tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi của mình.

Trân trọng./.