TỘI CỐ Ý TRUYỀN HIV CHO NGƯỜI KHÁC

(Theo Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Giải thích từ ngữ

Cố ý truyền HIV cho người khác được hiểu là hành vi của một người đã nhiễm HIV và biết rõ tình trạng bệnh của mình nhưng vẫn cố tình thực hiện các hành động nhằm lây truyền virus HIV sang người khác. Đây là hành vi có chủ đích, với ý định gây hại hoặc làm cho người khác bị nhiễm HIV, dù biết rõ những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi này có thể gây ra đối với sức khỏe, tính mạng của nạn nhân và cộng đồng.

2. Tội danh

“Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác

1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với người dưới 18 tuổi;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Lợi dụng nghề nghiệp;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

b) Đối với 06 người trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền bất khả xâm phạm sức khoẻ của người khác, làm lan tràn căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền được bảo hộ về tính mạng, sưc khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và sự an toàn của cả cộng đồng trước bệnh tật.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi cố ý lây truyền HIV từ người này qua người khác (người phạm tội không bị nhiễm HIV) thông qua các phương thức, thủ đoạn như:

- Cho nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm HIV hoặc đưa virus từ người nhiễm HIV sang nạn nhân thông qua các công cụ, phương tiện hỗ trợ. (Ví dụ: dùng kim tiêm đâm vào người bị nhiễm bệnh rồi đâm vào người khác hoặc dùng dao, vật nhọn rạch tay, chân người bị nhiễm bệnh cho máu dính vào rồi rạch vào người khác).

- Lôi kéo, dụ dỗ người nhiễm HIV và nạn nhân quan hệ tình dục không an toàn. (Ví dụ: Bác sĩ, y tá biết được bệnh nhân của mình bị nhiễm HIV nhưng không diệt khuẩn đúng cách các dụng cũ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh khiến bệnh nhân khác của mình bị nhiễm HIV, hoặc cố tình truyền máu bị nhiễm HIV sang cho bệnh nhân khác,…). 

- Làm cho các bình, túi máu sạch dữ trữ trong bệnh viện bị nhiễm HIV để lây truyền bệnh cho các bệnh nhân. 

Hậu quả của tội lây truyền HIV cho người khác là rất nghiêm trọng và có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, tâm lý, xã hội, và pháp lý của cả nạn nhân và người phạm tội, cũng như cộng đồng:

- Về sức khỏe:

+ Lây nhiễm HIV: Nạn nhân sẽ bị nhiễm HIV, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

+ Tiến triển thành AIDS: Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, HIV có thể phát triển thành AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), gây ra các bệnh nặng và ảnh hưởng đến khả năng sống sót.

+ Ảnh hưởng lâu dài: Nạn nhân có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe kéo dài, bao gồm cần điều trị suốt đời với thuốc kháng retrovirus (ARV) và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất.

- Về tâm lý:

+ Cảm giác sợ hãi và lo lắng: Nạn nhân có thể trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng về sức khỏe và tương lai của mình.

+ Tâm lý bị tổn thương: Có thể xuất hiện cảm giác xấu hổ, tự ti, và lo âu do bị nhiễm bệnh và sự kỳ thị xã hội liên quan đến HIV.

+ Trầm cảm: Nạn nhân có thể mắc các rối loạn tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Về xã hội:

+ Kỳ thị và phân biệt đối xử: Nạn nhân có thể gặp phải sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ gia đình, bạn bè, cộng đồng hoặc trong môi trường làm việc. Điều này có thể dẫn đến sự cô lập xã hội và khó khăn trong việc hòa nhập.

+ Khó khăn trong việc duy trì công việc và học tập: Sự kỳ thị và sức khỏe kém có thể làm giảm khả năng của nạn nhân trong việc duy trì công việc và tiếp tục học tập.

Lưu ý: 

- Nếu người phạm tội mới chỉ làm vật thể bị nhiễm virus HIV mà chưa khiến cho virus HIV lây lan đã bị ngăn chặn kịp thời thì vẫn bị truy cứu hình sự về Tội cố ý truyền HIV cho người khác (giai đoạn chuẩn bị phạm tội). 

- Nếu kết quả là người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. 

Hậu quả là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi truyền HIV từ người bệnh, nguồn bệnh sang cho người khác và chính bởi hành vi đó khiến cho nạn nhân nhiễm HIV.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội không bị HIV nhưng hoàn toàn biết rõ hành vi truyền HIV sẽ gây ra hậu quả làm nạn nhân bị HIV và mong muốn hậu quả ấy xảy ra. Đây là hành vi phạm tội với động cơ đê hèn (muốn người khác bị HIV).

3.4. Chủ thể của tội phạm

Người phạm tội cố ý truyền HIV cho người khác phải là người không bị nhiễm HIV hoặc có bị nhiễm HIV nhưng virus HIV mà họ truyền cho người khác không phải virus HIV trong cơ thể của họ mà virus từ cơ thể của người khác.

Đó có thể là cá nhân thực hiện hành vi truyền HIV một mình nhưng cũng có thể là người thực hành; người tổ chức; người xúi giục hoặc người giúp sức trong vụ án đồng phạm cố ý truyền HIV cho người khác.

Bên cạnh đó, người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự (năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi).

Trân trọng./.