Người bị buộc tội có được quyền im lặng để tự bảo vệ mình hay không?

Người bị buộc tội có được quyền im lặng để tự bảo vệ mình hay không?

Người bị bắt giữ có được quyền im lặng để tự bảo vệ mình hay không?

Tôi có một vấn đề liên quan đến kiến thức pháp luật muốn nhờ Luật sư giải đáp như sau: Trong trường hợp một người đang bị buộc tội thì họ có quyền được phép im lặng không? Mong luật sư tư vấn, tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

1. “Quyền im lặng” là gì?

Thuật ngữ “Quyền im lặng” (“Right to remain silent”) đến nay vẫn còn gây tranh cãi về nguồn gốc hình thành đầu tiên nhưng chúng ta có thể hình dung rằng “Quyền im lặng” theo nguyên tắc “Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình”.

Ở Việt Nam ta, “Quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng” nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân như: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26).

2. Người bị bắt giữ có được quyền im lặng để tự bảo vệ mình hay không?

Căn cứ từ Điều 58 đến Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền của người bị buộc tội (gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến khi xét xử.

- Về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt:

Theo điểm d khoản 1 Điều 58 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

- Về người bị tạm giữ:

Theo điểm c khoản 1 Điều 59 quy định về người bị tạm giữ có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

- Về bị can:

Theo điểm d khoản 1 Điều 60 quy định bị can có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

- Về bị cáo:

Theo điểm h khoản 1 Điều 61 quy định bị cáo có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Như vậy, mặc dù không dùng chính xác thuật ngữ “quyền im lặng” nhưng việc quy định về người bị tạm giữ, bị can, bị cáo “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đã thể hiện nội hàm của quyền im lặng. 

Đây có thể xem là một bước tiến của luật tố tụng hình sự Việt Nam trong quá trình hội nhập với luật pháp và các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia. Có thể hiểu rằng trong quá trình tố tụng người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc thừa nhận mình có tội.

Như vậy, nếu xét thấy cơ quan tố tụng đưa ra những câu hỏi, bằng chứng bất lợi cho họ thì họ cũng có quyền giữ im lặng. Có thể xem quyền im lặng là một thành tựu quan trọng của nền tư pháp nhân loại, việc ứng dụng quyền im lặng là đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động xét xử của tòa án.

Lưu ý: Về vấn đề này, có thể thấy chính sách pháp luật của nhà nước ta luôn khoan hồng với những người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đây cũng là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình. Nếu quyền im lặng được áp dụng trong suốt quá trình tố tụng thì sẽ là bất lợi không chỉ đối với người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, dễ bỏ lọt tội phạm, nhất là những vụ án có tình tiết phức tạp, có đồng phạm.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan