Tổng hợp 10 bản án hủy, sửa về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

MỤC LỤC

1. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 04/2021/HNGĐ-PT ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc tranh chấp nuôi con

2. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 45/2020/HNGĐ-PT ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

3. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 18/2020/HNGĐ-PT ngày 28/8/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

4. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2020/HNGĐ-PT ngày 15/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

5. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2024/HNGĐ-PT ngày 05/9/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con chung

6. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 31/2023/HNGĐ-PT ngày 11/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tranh chấp ly hôn, nuôi con chung

7. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 24/2023/HNGĐ-PT ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ly hôn, tranh chấp nuôi con

8. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 05/2024/HNGĐ-PT ngày 01/02/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

9. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 11/2024/HNGĐ-PT ngày 22/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc Ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn giữa chị H và anh K

10. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 06/2024/HNGĐ-PT ngày 21/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 04/2021/HNGĐ-PT ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc tranh chấp nuôi con

Nội dung hủy án:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 7/8/2020, chị Vũ Thị Kiều T làm đơn khởi kiện tranh chấp về quyền nuôi con đối với bà Đoàn Thị L. Do đó Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình xác định tư cách nguyên đơn và bị đơn trong vụ án là đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, ông Hoàng Minh D và bà Đoàn Thị L đều cho rằng sau khi anh Z là con trai của ông bà chết, thì cả ông và bà L đều cùng nhau chăm sóc cháu Tuệ Lâm F. Theo quy định tại khoản 4 điều 68 BLTTDS quy định “…Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”. Như vậy theo khoản 4 điều 68 thì Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình phải đưa ông D vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của ông D. Việc ông D không được tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm dẫn đến ông không được cung cấp chứng cứ, không được tham gia hòa giải cũng như tham gia phiên tòa và không được kháng cáo bản án sơ thẩm, như vậy là vi phạm khoản 4 điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Mặc dù tại cấp phúc thẩm đã đưa ông D vào tham gia tố tụng, nhưng ông D vẫn yêu cầu được quyền chăm sóc cháu Lâm F, yêu cầu được tham gia tố tụng, bản án cấp phúc thẩm tuyên sẽ có hiệu lực pháp luật ngay, tại cấp phúc thẩm ông D không còn quyền kháng cáo như vậy sẽ không thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho ông D. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy, việc Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình xác định thiếu người tham gia tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được tại phiên tòa, do đó cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm số 49/2020/HNGĐ-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Chuyển hồ sơ về cho Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thụ lý lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 45/2020/HNGĐ-PT ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Nội dung hủy án 

Theo đơn kháng cáo, ông Trần Đình T trình bày: tháng 4/2019 vợ chồng ông đã bán nhà tại phường D, ông về quê cư trú tại địa chỉ xóm Y, xã D, huyện K, tỉnh A. Ông không cư trú tại địa chỉ: tổ 1, khu phố 5A, phường D, TP. H nên ông không nhận được bất kỳ văn bản nào của Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa. Do đó, việc Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa xét xử vắng mặt ông là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ông đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 93/2020/HNGĐ-ST ngày 5/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa. Lời trình bày của ông T phù hợp với các chứng cứ có tại hồ sơ được thu thập tại cấp phúc thẩm. Cụ thể: tại cấp phúc thẩm, ông T cung cấp được giấy xác nhận của Công an xã D, huyện K, tỉnh A về việc ông T có hộ khẩu thường trú và hiện đang sinh sống tại địa phương. Theo biên bản xác minh ngày 14/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thì từ tháng 3 năm 2020 đến nay ông Trần Đình T không cư trú tại tổ 1, khu phố 5A, phường D, TP. H. Hiện nay, ông T ở đâu, làm gì địa phương không rõ. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ông T, cần phải hủy bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 93/2020/HNGĐ-ST ngày 5/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 18/2020/HNGĐ-PT ngày 28/8/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Nội dung hủy án 

(i) Như vậy, việc hoãn các phiên tòa thuộc trường hợp hoãn phiên tòa do Tòa án nên tại phiên tòa được mở lại (phiên tòa ngày 20/3/2020) đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất (Án lệ số 12/2017/AL xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa)

Cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn đề nghị hoãn phiên tòa ngày 20/3/2020 của Văn phòng luật sư Lâm Sơn (do Luật sư Phan Đình H là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn L) và của bị đơn L, mà vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn, bởi lẽ:

Ngày 06/3/2020 tại Văn phòng luật sư Lâm Sơn, Tòa án đã tiến hành tổng đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử lúc 14 giờ ngày 20/3/2020. Sau khi nhận quyết định cùng ngày 06/3/2020, Trưởng văn phòng luật sư Lâm Sơn có đơn đề nghị hoãn phiên tòa ngày 20/3/2020 với lý do: “Luật sư H đã xuất cảnh ra nước ngoài từ chiều ngày 02/3/2020, dự kiến ngày 22/3/2020 mới trở lại Việt Nam và xin dời lại ngày khác vào cuối tháng 3/2020”. Lẽ ra, sau khi nhận được phản hồi từ phía Luật sư Lâm Sơn, cấp sơ thẩm phải tiến hành thủ tục tống đạt lại cho Luật sư H hoặc xác minh thông tin cung cấp, nhưng không thực hiện, mà cho rằng đơn xin hoãn của Văn phòng luật sư Lâm Sơn không hợp lệ, chứng tỏ mâu thuẫn với việc cấp tống đạt, việc tống đạt chưa hợp lệ.

Đối với đơn xin hoãn của ông L với 02 lý do: Do luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L đi nước ngoài, thứ 2 do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp và theo Chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 10/3/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về phòng chống dịch Covid 19; đây là lý do xin hoãn chính đáng do trở ngại khách quan.

(ii) Cấp sơ thẩm cho rằng, bà H chứng minh được việc bà H có đủ điều kiện nuôi con về kinh tế, về tinh thần, như: cung cấp chứng cứ có chỗ ở ổn định, có thu nhập cao, có tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ…; còn ông L không cung cấp được chứng cứ chứng minh có tài sản, thu nhập cố định trên giấy tờ chỉ 9.000.000 đồng/tháng, ông L nuôi con hay bị bệnh…. Tuy nhiên, theo ông L, ông cũng có đầy đủ điều kiện nuôi con, cháu L phát triển bình thường, chăm ngoan, khỏe mạnh, trong môi trường gia đình có cuộc sống lành mạnh, láng giềng yêu quý, hiện nay phát triển tốt về thể chất và tinh thần, cháu được đến lớp, đến trường, không bị bỏ đói, thiếu mặc, không bị đánh đập, ngược đãi, … Nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ, cũng không yêu cầu bà H chứng minh ông L không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cũng như không xác minh điều kiện hoàn cảnh gia đình, việc nuôi con chăm sóc giáo dục con của ông L tại địa phương, là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.

(iii) Đối với việc bà H cung cấp chứng cứ về việc ngăn cản khi đến thăm con: Vi bằng số 305/2019VB-TPL ngày 21/6/2019, số 385/2019/VBB-TPL ngày 14/7/2019 và số 620/2019/VB-TPL ngày 10/11/2019. Xét thấy, nội dung các vi bằng chỉ thể hiện việc bà H đến nhà ông L để thăm con, đưa con đi chơi nhưng bị ông L đưa ra các lý do từ chối, nhưng vi bằng chỉ thông qua lời của bà H để thừa phát lại ghi nhận, chứ thừa phát lại không trực tiếp chứng kiến cuộc trao đổi giữa ông L và bà H. Trong khi ông L không thừa nhận, do vậy cũng cần thu thập thông tin tại địa phương xem ông L có hành vi cản trở, ngăn cản bà H thực hiện quyền thăm nom hay không, do đây là hành vi bạo lực gia đình, để làm căn cứ giải quyết vụ án.

4. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2020/HNGĐ-PT ngày 15/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Nội dung hủy án 

(i) Xét yêu cầu khởi kiện của anh P, Hội đồng xét xử xét thấy, tại Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT ngày 29/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định giao con chung là cháu Phạm Nhất P1, sinh ngày 29/10/2016 cho chị Hà Thị H trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Tuy nhiên, tại thời điểm khởi kiện yêu cầu thay đổi việc nuôi con thì anh P vẫn chưa thi hành Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của anh P về quyền được nuôi con chưa bị xâm phạm, vì anh P chưa giao con cho chị H theo Bản án của Tòa án đang có hiệu lực, lẽ ra cấp sơ thẩm không thụ lý đơn khởi kiện của anh P và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự trả lại đơn khởi kiện cho anh P.

(ii) Tại quyết định thi hành án số 173/QĐ-CCTHADS ngày 14/11/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện V đã quyết định cho thi hành Bản án đã có hiệu lực pháp luật và buộc anh Phạm Văn P phải thi hành giao cháu P1 cho chị H và tại Công Văn số 70/CV-CCTHADS ngày 02/3/2020 Chi cục Thi hành án dân sự huyện V xác định, Chi cục Thi hành án dân sự huyện V đang tổ chức thi hành Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT ngày 29/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu buộc anh P giao cháu P1 cho chị H, nhưng anh P không chấp hành và Chi cục Thi hành án dân sự huyện V đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án, đang tiến hành xây dựng kế hoạch cưỡng chế, cung cấp thông tin phối hợp cưỡng chế gửi Công an huyện V để cưỡng chế thi hành án; Chấp hành viên cũng đã có quyết định xử phạt hành chính đối với anh Phạm Văn P về hành vi không chấp hành án.

Do yêu cầu khởi kiện của anh P đang được cơ quan Thi hành án dân sự huyện V tổ chức thi hành, anh P là người có nghĩa vụ giao cháu Phạm Nhất P1 cho chị H theo Bản án đã có hiệu lực của Tòa án, nhưng anh P chưa thi hành, lẽ ra cấp sơ thẩm căn cứ điểm g khoản 1 Điều 217 đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho anh P, nhưng cấp sơ thẩm thụ lý và xử bác yêu cầu khởi kiện của anh P là không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT ngày 29/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

(iii) Xét nội dung kháng cáo của anh Phạm Văn P yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Hội đồng xét xử xét thấy, Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình quy định cha, mẹ có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, do anh P chưa chấp hành Bản án, chưa giao cháu Phạm Nhất P1 cho chị H trông nôm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, nên chưa có căn cứ để xác định chị H không có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của anh P.

(iv) Do anh P chưa chấp hành Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu buộc anh có nghĩa vụ giao cháu Phạm Nhất P1 cho chị H trực tiếp trông năm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, nội dung khởi kiện của anh P đã được giải quyết tại Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT ngày 29/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đang có hiệu lực pháp luật, nên anh P chưa có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi việc nuôi con. Do đó, cần hủy toàn bộ Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 05/2020/HNGĐ-ST ngày 28/4/2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu và đình chỉ xét xử vụ án để anh P thi hành Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2018/HNGĐ-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên, sau khi anh P giao cháu Phạm Nhất P1 cho chị H trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục mà chị H không còn đủ điều kiện nuôi con theo quy định pháp luật, thì anh P có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi việc nuôi con theo quy định pháp luật.

5. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2024/HNGĐ-PT ngày 05/9/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con chung

Nội dung hủy án 

Anh Lê Việt C và chị Lê Hồng Tr kết hôn hợp pháp ngày 28/8/2007 tại Ủy ban nhân dân thị trấn M, huyện Đ (nay là phường , thị xã Đ) rong quá trình chung sống, vợ chồng bất đồng quan điểm dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, chị Tr thường xuyên đi làm xa nhà, không quan tâm đến chồng, con nên cuộc sống vợ chồng không có tình cảm, vợ chồng đã sông ly thân từ năm 2018 cho đến nay mà không còn quan tâm đến nhau. Anh C làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho anh được ly hôn chị Lê Hồng Tr, giao anh C trực tiếp trông nom, chăm sóc con chung Lê Hạo N, sinh ngày 24/6/2008, chị Tr không phải cấp dưỡng nuôi con.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn chị Lê Hồng Tr không có mặt tại nơi cư trú, Toà án đã tiến hành xác minh tại nơi đăng ký cư trú của chị Tr và anh C ở khu H, phường M, thị xã Đ, tỉnh Quảng Ninh; lấy lời khai của chị Lê Thị Y (là chị gái chị Tr trú tại thôn 12, xã H, huyện V), thì được đại diện khu phố và chị Y cung cấp thông tin xác định chị Tr hiện vắng mặt tại nơi cư trú, thường xuyên không có nhà, đang làm công việc lưu động, không có chỗ ở ổn định, thỉnh thoảng mới về nhà thăm con ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều và thăm gia đình chị Tr ở xã H, huyện V. Tuy nhiên, Toà án không yêu cầu cung cấp thông tin làm rõ lần gần nhất chị Tr về nhà, có mặt tại nơi cư trú là vào thời gian nào (trước hay sau khi thụ lý vụ án) và cũng không xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ hiện chị Tr đang cư trú ở Việt Nam hay ở nước ngoài, mà vẫn xác định chị Tr đang ở Việt Nam để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, là chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án, vi phạm khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự. Toà án nhận được qua đường bưu chính bản tự khai không ghi ngày tháng (chỉ ghi năm 2024) đề tên người viết, gửi là chị Lê Hồng Tr, ngoài bì thư thể hiện nơi gửi là Bưu điện “GD Mạo Khê ngày 01/4/2024”, bản tự khai không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền xác định chị Tr là người viết, ký bản tự khai. Sau khi tiến hành xác minh, mặc dù chị Y (là chị gái chị Tr) cung cấp thông tin xác định bản tự khai do chị Tr viết và nhờ chị Y gửi đến Toà án, lời trình bày của chị Y mâu thuẫn với nội dung thể hiện ngoài bì thư thể hiện nơi gửi là Bưu điện “GD Mạo Khê ngày 01/4/2024”, không được gửi đi từ huyện Vân Đồn, chữ viết ngoài bì thư không phải của chị Y mà của anh Lê Việt C (nội dung này ai khai). Toà án cấp sơ thẩm vẫn đánh giá xác định bản tự khai chị Y gửi đến Toà án là tài liệu, chứng cứ hợp pháp và sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án, là vi phạm Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ kết quả cung cấp thông tin tại văn bản số 2557/XNC(Đ1) ngày 03/7/2024 và văn bản số 3454/XNC (Đ1) ngày 25/8/2024 của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Quảng Ninh xác định: Chị Lê Hồng Tr đã xuất cảnh lần gần nhất vào ngày 19/8/2024 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chưa có thông tin nhập cảnh Việt Nam. Như vậy, tại thời điểm Toà án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 14/3/2024 và quá trình giải quyết vụ án, xét xử vào ngày 14/6/2024 xác định bị đơn là chị Lê Hồng Tr đang cư trú ở nước ngoài, không có mặt ở Việt Nam. Căn cứ khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tòa án nhân dân thị xã Đông Triều xét xử vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

6. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 31/2023/HNGĐ-PT ngày 11/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tranh chấp ly hôn, nuôi con chung

Nội dung sửa án:

Lẽ ra con chung dưới 36 tháng tuổi thì giao cho mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng xét về mọi mặt như: Điều kiện trực tiếp chăm sóc cũng như về vật chất, tinh thần và môi trường sinh sống cho thấy từ khi cháu mới sinh ra đến nay cháu đã sống bên nhà anh Đ, khi anh chị ly thân nhau đến nay gần 01 năm cháu sống cùng anh Đ vẫn vui khỏe, phát triển bình thường mặc dù thực tế khi xảy ra mâu thuẫn chị O đi về nhà cha mẹ ruột có ẵm con theo nhưng sau đó bên chồng chị đến ẵm về, cháu về sống cùng cha cho đến nay chị không đến thăm nom hoặc hỏi thăm cháu, tại phiên tòa thì chị xác định nuôi con nhưng giao cho mẹ chị trực tiếp chăm sóc dùm do chị bận đi làm xa. Như vậy cho thấy xét về việc gần gũi chăm sóc con chung chị có hạn chế hơn so với anh Đ nếu giao con cho chị chăm sóc nuôi dưỡng, đối với trẻ em thì rất cần sự gần gũi chăm sóc trực tiếp của cha hoặc mẹ. Do đó, để đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt ổn định cho cháu Nguyễn Quốc B từ khi sinh ra đến nay cháu sống cùng cha bên gia đình bên nội cháu, cháu cũng phát triển ổn định nên Hội đồng xét xử thống nhất tiếp tục giao cháu cho anh Đ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng là phù hợp.

7. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 24/2023/HNGĐ-PT ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ly hôn, tranh chấp nuôi con

Nội dung sửa án 

Quá trình tố tụng và tại phiên tòa phúc thẩm, chị H cung cấp các tài liệu, chứng cứ thể hiện chị có công việc, chỗ ở và thu nhập ổn định hàng tháng khoảng 120.000.000đồng/tháng đủ điều kiện nuôi 02 con chung. Trong khi đó, anh T cho rằng thu nhập háng tháng của anh chỉ khoảng 15.000.000 đồng. Xét thấy, các con chung của chị H và anh T hiện nay còn nhỏ, nhất là cháu Mỹ A chỉ hơn 04 tuổi, rất cần sự chăm sóc trực tiếp của người mẹ; cháu Mỹ A hiện đang sinh sống tại nhà chị H ở Thành phố Hồ Chí Minh; còn cháu Phú H1 có gửi thư tay do cháu viết có nội dung muốn sống chung với mẹ cháu; chị H cũng lo được việc chuyển trường cho các con (có xác nhận của Trường T5, Phường B, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/7/2023 về việc đồng ý tiếp nhận học sinh làcháu Trần Lâm Phú H1 vào học tại trường và Giấy xác nhận ngày 24/7/2023 của Trường Mầm non B1 , Quận B, Thành phố H việc cháu Trần Thị Mỹ A đang học tại lớp: Chồi 2, TrườngMầm non B, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, anh T thừa nhận khi anh lên Thành phố Hồ Chí Minh thăm cháu Mỹ A thì thấy sức khỏe cháu A cũng bình thường. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T cho rằng anh chỉ có nguyện vọng tiếp tục nuôi 02 con khoảng 01- 02 năm nữa thì anh mới yên tâm giao 02 con cho chị H nuôi dưỡng; chị H cho rằng chị có đủ điều kiện về kinh tế để nuôi con cũng như đảm bảo trực tiếp nuôi các con vì chị làm việc tại nhà. Điều đó cho thấy, việc chị H kháng cáo yêu cầu anh T giao 02 con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng là có căn cứ, vẫn đảm bảoquyền lợi cho cháu H1 và cháu A được sinh sống ổn định, học tập bình thường và phát triển tốt nhất cả vật chất lẫn tinh thần của các con sau này, do đó kháng cáo của chị H là có cơ sở để chấp nhận.

8. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 05/2024/HNGĐ-PT ngày 01/02/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Nội dung sửa án 

(i) Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn T về yêu cầu được trực tiếp nuôi con chung Nguyễn Ngọc Khánh N, thì thấy: Từ năm 2019, lúc này cháu Nguyễn Đăng K đã 15 tuổi, còn cháu N chỉ mới 09 tuổi thì bà Nguyễn Thị Hồng L đã bỏ đi khỏi nhà để lại 02 cháu cho ông Nguyễn Văn T nuôi dưỡng, cho đến nay đã hơn 04 năm thì cháu N cũng đã ổn định sống với ông T, việc Tòa án sơ thẩm cho rằng cháu là con gái và có nguyện vọng muốn ở với mẹ để giao cháu cho bà L trực tiếp nuôi là chưa xem xét đầy đủ quyền lợi về mọi mặt của cháu N. Tại phiên tòa phúc thẩm, thì bà L cũng khai nhận hiện tại bà đang nuôi con nhỏ (có với người đàn ông khác); còn về phía cháu Linh cũng trình bày có nguyện vọng được ở với ông T, nên Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông T về nội dung này để giao cháu N cho ông T trực tiếp nuôi theo quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình.

(ii) Do đó, có cơ sở để xác định thửa đất tại 95 đường Hồ Nguyên Trừng và các tài sản phục vụ làm nghề nói trên là do ông T có công sức đóng góp phần lớn hơn so với bà L vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung này; cùng với việc bà L có lỗi dẫn đến ly hôn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên được giao cho ông T trực tiếp nuôi, nên cần chấp nhận kháng cáo của ông T để chia cho ông T 70% trị giá và chia cho bà L 30% trị giá tài sản chung nói trên.

(iii) Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn T về yêu cầu giao cho ông căn nhà tại Đường H, phường H, thì thấy: Thửa đất này do ông T tạo lập từ trước và khi kết hôn thì vợ chồng sinh sống ở đây; đến năm 2019, khi bà L bỏ nhà ra đi thì ông và 02 con vẫn ở tại đây. Hiện tại ông T và con ở tại căn nhà này và không có chỗ ở nào khác; còn bà L thì hiện đang ở tại địa chỉ khu đô thị G, phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, nay Tòa án cấp phúc thẩm xử giao cháu Nguyễn Ngọc Khánh N cho ông T trực tiếp nuôi, nên để đảm bảo quyền về chỗ ở cho ông T và 02 con, cũng như nhu cầu thực tế của ông T và bà L; đảm bảo cuộc sống ổn định cho các bên đương sự liên quan nên cần chấp nhận kháng cáo để giao căn nhà này cho ông T sở hữu, sử dụng là đúng với quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình; mặt khác, đồng thời buộc ông T thanh toán lại cho bà L giá trị tài sản được chia cũng đã bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L.

9. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 11/2024/HNGĐ-PT ngày 22/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc Ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn giữa chị H và anh K

Nội dung sửa án 

Chị H và anh K có 01 (một) con chung là cháu Phạm Thị Thanh T, sinh ngày 25/02/2015. Chị H và anh K đều có nguyện vọng được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu người kia phải cấp dưỡng nuôi con chung. Về điều kiện nuôi dưỡng con chung cả chị H và anh K đều có khả năng nuôi dưỡng con chung. Thực tế, do vợ chồng mâu thuẫn nên kể từ tháng 5/2020, anh K đã đưa cháu T về sinh sống tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chị H sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang. Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, cháu Phạm Thị Thanh T có nguyện vọng xin được ở với mẹ. Do đó Toà án cấp sơ thẩm xem xét nguyện vọng của cháu T nên giao cháu Phạm Thị Thanh T cho chị H được quyền trực tiếp nuôi dưỡng. Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm là có căn cứ. Tuy nhiên tại giai đoạn phúc thẩm cháu T lại có đơn trình bày nguyện vọng được sống chung với bố với lý do cháu đang theo học tại Trường tiểu học xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã quen môi trường, bạn bè và thầy cô. Tại phiên toà phúc thẩm, anh K và chị H đều có quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử trực tiếp tham khảo ý kiến cháu T, nếu cháu có nguyện vọng ở với ai thì sẽ giao con cho người đó. Cháu T muốn ở với bố. Xét thấy thực tế cháu T đang ở cùng anh K từ năm 2020 đến nay, cuộc sống đã ổn định. Để cháu T có điều kiện ổn định cuộc sống, ổn định về tâm lý và phát triển mọi mặt nên giao cho anh K tiếp tục nuôi dưỡng con chung và chấp nhận việc anh K không yêu cầu chị H cấp dưỡng nuôi con. Do đó kháng cáo của anh K có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm về phần con chung theo hướng giao con chung cho anh K trực tiếp nuôi dưỡng.

10. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 06/2024/HNGĐ-PT ngày 21/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Nội dung sửa án 

(i) Căn cứ vào quy định trên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải được giải quyết khi có một trong các căn cứ: Anh T và chị L có sự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cho phù hợp với lợi ích của con, tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có văn bản nào thoả thuận giữa anh T và chị L về việc thay đổi quyền nuôi con. Đồng thời, hiện nay cháu Trần Bảo A con nhỏ chưa đủ 7 tuổi để thể hiện được nguyện vọng của con là con muốn thế nào.

(ii) Về điều kiện chăm sóc cháu Trần Bảo A:

Theo hồ sơ vụ án và lời khai của anh T thì hiện nay anh T đang làm việc tại Hà Nội, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, anh T và chính quyền xác nhận là anh T đi làm từ Thanh Hóa ra H có đi về trong ngày, với khoảng cách địa lý Thanh Hoá - Hà Nội thì anh T cũng không có đủ thời gian, điều kiện để chăm sóc cháu Trần Bảo A.

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị L trình bày hiện nay đang làm việc tại Cửa hàng H (Bán đồ uống trà sữa) có địa chỉ tại thôn C, xã C, huyện N, tỉnh Thanh Hóa, mức lương từ 4.500.000₫ - 9.000.000đ/tháng (Có Văn bản thỏa thuận làm việc giữa hai bên, xác nhận của chủ cửa hàng). Chị L cũng xuất trình Đơn xin xác nhận của giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Trần Bảo A về việc chị là người trực tiếp đưa đón cháu đi học thường xuyên, đóng góp đầy đủ các khoản thu của nhà trường. Anh T trình bày chị không có nhà và đất ở, phải ở nhờ bố mẹ là không đúng, chị đã được bố mẹ tặng cho nhà đất tại thửa đất 297 thôn C, xã C, huyện N, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 14/12/2023. Chị L cho rằng chị có đủ điều kiện để nuôi dạy con, vì hơn 2 năm sau khi ly hôn, anh T không cấp dưỡng nuôi con chung nhưng chị vẫn cho con đầy đủ cả vật chất và tinh thần. Không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh chị L không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Bảo A để phải thay đổi người nuôi con từ chị L sang anh T. Việc cháu Trần Bảo A tiếp tục ở cùng mẹ là đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống cũng như phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của bé gái .

Do đó, kháng cáo của chị Nguyễn Thị L đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T về thay đổi người trực tiếp nuôi là có căn cứ chấp nhận.