Tổng hợp 10 bản án hủy, sửa về tranh chấp chia tài sản sau ly hôn

MỤC LỤC

1. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 1061/2017/HNGĐ-PT ngày 28/11/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn

2. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 16/2024/HNGĐ-PT ngày 07/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn

3. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 09/2024/HNGĐ-PT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tranh chấp về chia tài sản sau ly hôn

4. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 07/2024/HNGĐ-PT ngày 09/4/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc chia tài sản sau ly hôn

5. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 13/2024/HNGĐ-PT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc chia tài sản chung sau ly hôn

6. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 09/2023/HNGĐ-PT ngày 12/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tranh chấp tài sản sau khi ly hôn

7. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 19/2024/HNGĐ-PT ngày 04/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn

8. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 07/2024/HNGĐ-PT ngày 06/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung

9. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 03/2023/HNGĐ-PT ngày 26/01/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn

10. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2024/HNGĐ-PT ngày 28/02/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn

 

1. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 1061/2017/HNGĐ-PT ngày 28/11/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn

Nội dung hủy án:

Tại phiên tòa phúc thẩm ông T và đại diện bà N đều xác định nguồn gốc căn nhà Đường A, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh là của ông Lại Văn Đ bán cho ông NLQ, sau đó ông NLQ bán lại cho ông T và bà N, nhà chưa có giấy tờ hợp lệ, hiện ông Đ vẫn còn đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Lời khai của ông T và bà N phù hợp với lời khai của ông Đ và ông NLQ đồng thời phù hợp Giấy sang nhượng đất giữa ông Đ và ông NLQ ngày 01.4.2003, phù hợp với Hợp đồng mua bán nhà giữa ông NLQ và ông T ngày 27.02.2006. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa ông Đ vào tham gia tố tụng, sau khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ kiện, ông Đ đề nghị hủy việc mua bán nhà giữa ông Đ và ông NLQ đồng thời hủy việc mua bán giữa ông NLQ và ông T; mặt khác, sau khi ly hôn với bà N, ông T sống chung với bà Nguyễn Thị Bích T tại căn nhà và đất có liên quan đến tranh chấp nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh để đưa bà T vào tham gia tố tụng, đến giai đoạn phúc thẩm bà T cho rằng trong thời gian sống chung với ông T tại căn nhà Đường A, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh thì bà có đóng góp số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng để sửa chữa nhà nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét. Đây là các tình tiết mới phát sinh tại cấp phúc thẩm, chưa được cấp sơ thẩm làm rõ; do đó, để đảm bảo quyền lợi của các đương sự theo 02 cấp xét xử nên cần hủy bản án sơ thẩm để giao về giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm, đề nghị của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn và của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở.

2. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 16/2024/HNGĐ-PT ngày 07/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn

Nội dung hủy án 

(i) Về việc giao quản lý tài sản: Án sơ thẩm tuyên giao cho bà C thửa đất 6130b, do bà C đang bị tuyên bố mất tích nên tạm giao phần tài sản của bà C cho ông T quản lý, chăm sóc cho đến khi bà C về có trách nhiệm giao lại cho bà C là không đúng theo quy định tại Điều 69 Bộ luật dân sự. Trường hợp này tài sản của bà C được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của bà C là người mất tích quản lý. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không đưa cha mẹ của bà C tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định có đồng ý nhận quản lý tài sản của bà C hay không là thiếu người tham gia tố tụng.

(ii) Về nguyên tắc chia tài sản: Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông T, bà C tạo lập được 02 thửa đất 1838, thửa 6130b và tài sản trên đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên án sơ thẩm không nhận định hay căn cứ hoàn cảnh, công sức đóng góp trong việc tạo lập và duy trì tài sản của các bên. Tòa án chỉ cho rằng cần giao cho ông T nhiều tài sản hơn để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ chung, nên tuyên chia cho ông T tổng giá trị là 4.071.860.795 đồng, chia cho bà C tổng giá trị tài sản là 1.721.560.794 đồng là không đảm bảo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình.

(iii) Về nợ chung: Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết sơ thẩm, ông T yêu cầu nhận trả toàn bộ các khoản nợ chung của vợ chồng là 2.380.000.00 đồng. Tuy nhiên án sơ thẩm chỉ phân chia tài sản chung, không xem xét đối với yêu cầu nhận trả các khoản nợ chung của ông T là giải quyết chưa đầy đủ yêu cầu khởi kiện, vi phạm Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

(iv) Về yêu cầu độc lập: Bà Phan Thị N - mẹ của ông T có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án công nhận một phần diện tích đất thuộc thửa 1838 mà ông T bà C đã xây dựng cho bà Như. Ngày 31/8/2023 Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của bà Như. Tuy nhiên quá trình giải quyết sơ thẩm và tại các phiên họp hòa giải công khai chứng cứ, ông T đều không có ý kiến trình bày về việc có đồng ý yêu cầu độc lập của bà Như hay không, Tòa án cũng không thu thập tài liệu chứng cứ thể hiện ý chí của ông T bà C về việc tặng cho bà Như một phần diện tích thuộc thửa 1838, mà tuyên chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Như là thiếu cơ sở.

(v) Về án phí DSST: Án sơ thẩm buộc ông T phải chịu 63.647.800 đồng án phí là không đúng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326. Bởi lẽ ông T được chia tổng giá trị tài sản sau khi trừ nghĩa vụ bù chênh lệch cho bà C với số tiền là 4.071.860.795 đồng, không giải quyết về nợ chung, nên ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 112.071.861 đồng (Chênh lệch 48.424.061 đồng).

(vi) Ngoài ra, tại Biên bản nghị án (bút lúc số 104), Hội đồng xét xử quyết định biểu quyết: Buộc ông Huỳnh Đức T có nghĩa vụ bù chênh lệch giá trị tài sản cho bà Trần Thị C Số tiền 614.466.363 đồng và phải chịu 54.946.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ 10.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp, còn phải nộp số tiền 44.946.000 đồng. Bà Trần Thị C phải chịu 54.946.000 đồng. Trong khi đó, tại mục 4, 5 quyết định của Bản án sơ thẩm (bút lục 117): Buộc ông Huỳnh Đức T có nghĩa vụ bù chênh lệch giá trị tài sản cho bà Trần Thị C Số tiền 904.466.363 đồng và phải chịu 63.647.800 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ 10.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp, còn phải nộp số tiền 53.647.800 đồng. Bà Trần Thị C phải chịu 63.647.800 đồng. Như vậy, có sự mẫu thuẫn về số liệu giữa biên bản nghị án và bản án, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

3. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 09/2024/HNGĐ-PT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tranh chấp về chia tài sản sau ly hôn

Nội dung hủy án 

(i) Tại bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 01/2021/HNGĐ-ST ngày 29/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, anh P xác định số tiền 500.000.000 đồng chị D vay của Ngân hàng N3 – chi nhánh B, chị D sử dụng vào công việc gì anh P hoàn toàn không biết. Tại phiên tòa hôm nay anh P lại xác định chị D vay số tiền trên để trả nợ làm nhà (nhà đang tranh chấp) và mua sắm vật dụng trong gia đình. Chị D cũng thừa nhận vay số tiền trên để trả nợ làm nhà và mua sắm vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ mục đích vay số tiền này có sử dụng vào việc xây dựng nhà đang tranh chấp hay không.

(ii) Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ để chứng minh các tài sản căn nhà cấp 4 nên trên và các vật dụng trong nhà là tài sản chung của anh P, chị D hay của ông D1, bà N; nếu của ông D1, bà N thì ông D1, bà N đã tặng cho anh P, chị D chưa, tặng cho riêng chị D, hay cho vợ chồng anh P, chị D.

(iii) Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét thụ lý yêu cầu của anh P đối với Hợp đồng tặng cho được UBND thị trấn B chứng thực số 89, quyển số 01/2020 SCT/HĐ,GD ngày 31/3/2020; chưa thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng đã xác định tài sản căn nhà cấp 4 trên thửa đất 658 và các tài sản vật dụng trong nhà là tài sản chung của anh P, chị D để chia cho anh P nhận 40 % giá trị và chị D được nhận 60% giá trị là không đúng, chưa xem xét, giải quyết hết các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

4. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 07/2024/HNGĐ-PT ngày 09/4/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc chia tài sản sau ly hôn

Nội dung hủy án 

Cho nên, việc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn” giữa nguyên đơn bà Lý Thị Đ, chị Từ Thị Kiều T2 với bị đơn ông Từ Minh T1 đã không thu thập hồ sơ giải quyết ly hôn trước đó, cũng như không xem xét kỹ Quyết định Công nhận sự thuận tình ly hôn số: 30/HGT ngày 06 tháng 9 năm 2004 của Tòa án nhân dân huyện Duyên Hải đã có hiệu lực pháp luật là vi phạm điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự vì yêu cầu khởi kiện của bà Lý Thị Đ và chị Từ Thị Kiều T2 đã được giải quyết bằng một Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Lẽ ra, khi nhận đơn khởi kiện, Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trả lại đơn khởi kiện cho bà Lý Thị Đ và chị Từ Thị Kiều T2, nếu đã thụ lý giải quyết thì căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự để trả lại đơn cho đương sự mới đúng.

Từ nhận định phân tích ở mục [2.2] nêu trên nên việc chị Từ Thị Kiều T2 giữ 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Từ Minh T1 là hành vi không đúng. Ngày 27/10/2023, ông Từ Minh T1 cũng có đơn phản tố (BL56) nộp cho Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu Toà án xem xét buộc chị Từ Thị Kiều T2 phải có nghĩa vụ trả lại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 4, diện tích 3.905 m2 và thửa đất số 5, diện tích 4.741,9m² cùng tờ bản đồ số 3A, đất cùng tọa lạc tại ấp C, xã N, huyện D, tỉnh Trà Vinh, nhưng không được Toà án cấp sơ thẩm quan tâm xem xét quyết định. Từ đó, cấp phúc thẩm cũng không thể xem xét buộc chị T2 trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại cho ông T1.

5. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 13/2024/HNGĐ-PT ngày 09/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc chia tài sản chung sau ly hôn

Nội dung hủy án 

Tại các văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của ông J, bà U có mâu thuẫn về số lượng những được thừa kế. Nội dung tại các văn bản thỏa thuận khác nhau. Toà án cấp sơ thẩm chưa xác định rõ số lượng những được hưởng thừa kế của ông J, bà U xác định thực tế là bao nhiêu người? chưa làm rõ việc diện tích đất ông J, bà U đã chuyển nhượng cho bà H1 Êban từ năm 2001, Tại sao đến năm 2020 những người thừa kế lại thỏa thuận giao phần diện tích đất đã chuyển nhượng cho bà HR cho bà HN1 chuyển nhượng cho bà HX?

Xét việc Toà án cấp sơ thẩm xác định thiếu người thừa kế của ông J, bà U, là đưa thiếu người thừa kế vào tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ chưa khách quan và chưa chính xác, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên cần hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Văn C.

6. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 09/2023/HNGĐ-PT ngày 12/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tranh chấp tài sản sau khi ly hôn

Nội dung sửa án:

Tòa án cấp sơ thẩm đã chia tài sản chung của ông S và bà V bằng hiện vật. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết sơ thẩm ông S đóng cổng không cho xem xét, thẩm định tại chỗ nên bản án sơ thẩm chia đất cho bà V có một phần nằm dưới ban công của nhà chia cho ông S là không hợp lý. Tại phiên tòa phúc thẩm bà V trình bày ban công có chiều rộng khoảng 1m nên đề nghị Hội đồng xét xử chia cho bà phần đất lùi ra phía đường để phần đất chia cho bà không bị vướng ban công của nhà chia cho ông S. Đề nghị này của bà V là tự nguyện, phù hợp với thực tế quan sát và ảnh chụp của Tòa án cấp phúc thẩm nên cần chấp nhận. Ngoài ra ông S, bà V có tổng diện tích khung sắt mái tôn là 95,9m2 nhưng có 3,5m2 mái tôn lợp le ra ngoài đường đi nên bản án sơ thẩm chỉ chia 92.4m2, không chia diện tích mái tôn lợp le ra ngoài đường là thiếu sót bởi đây vẫn là tài sản của đương sự (Nếu sau này UBND thị trấn bắt phá dỡ phần mái lợp le ra đường thì dỡ sau), nay cần chia toàn bộ 95,9m2 diện tích mái tôn. Bản án sơ thẩm chia cho ông S cả hai trụ cổng cũng không chính xác bởi thực tế có một trụ cổng và một phần cánh cổng nằm trên phần đất Tòa án chia cho bà V. Với việc ông S và bà V mỗi người được chia một trụ cổng thì đáng ra Hội đồng chia cho mỗi người một cánh cổng sắt, nhưng hiện nay ông S đang sử dụng toàn bộ tài sản, cần có cổng để bảo vệ tài sản nên Hội đồng xét xử giao cho ông S sở hữu cả hai cánh cổng sắt, khi nào bà V dỡ trụ cổng phía bên đất của bà được chia thì ông S được dỡ, lấy cánh cổng về (Hoặc nếu ông S dỡ cánh cổng gắn trên trụ cổng bên phía đất bà V trước là quyền của ông).

7. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 19/2024/HNGĐ-PT ngày 04/6/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn

Nội dung sửa án 

Cấp sơ thẩm cho rằng: do bà K đã ra ngoài thuê nhà sống ổn định nên tiếp tục giao nhà đất thửa 43, tờ bản đồ số 04 tại ấp C, xã P, huyện N cho ông É tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm bà K và các con trình bày: bà muốn nhận nhà đất để bà và các con ổn định chỗ ở; Lý do trước đây bà và 2 con phải ra ngoài thuê nhà trọ sống là do bị ông Á đánh đập do ống có nhân tình và dắt về nhà chung sống. Qua xác minh của cấp phúc thẩm, Công an xã P xác nhận: “ngày 15/6/2022 bà K có báo với Công an xã sự việc ông É quen người đàn bà khác và dắt về nhà dẫn đến xảy ra xô xát”. Ngoài ra, tại cấp phúc thẩm, ông Á cũng đồng ý giao nhà đất cho 3 mẹ con bà K sinh sống, ông sẽ về chiếc thuyển của ông để sinh sống. Tuy nhiên, ông É yêu cầu bà K phải cam kết không được bán nhà đất trên trong thời hạn 30 năm. Như vậy, mặc dù cả bà K và ông É đều muốn nhận tài sản bằng hiện vật nhưng xét thấy nhu cầu sử dụng nhà đất của bà K là cao hơn ông É. Do đó, chấp nhận đơn kháng cáo của bà K, sửa một phần án sơ thẩm theo hướng: Giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với nhà đất tại thửa 43, tờ bản đồ số 04 tại ấp C, xã P, huyện N cho bà K, bà K có trách nhiệm thanh toán số tiền 1.128.750.000đồng (một tỷ, một trăm hai mươi tám triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng) cho ông É.

8. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 07/2024/HNGĐ-PT ngày 06/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung

Nội dung sửa án 

(i) Xét thấy, nguyên đơn ông Danh Hoài P và bị đơn bà Phan Bích Q đã tự nguyện chung sống với nhau từ năm 2018, nhưng đến ngày 26 tháng 11 năm 2020 mới đăng ký kết hôn. Như vậy, xe mô tô nhãn hiệu HONDA, loại SH 125i, biển số kiểm soát 95B1-679.65 được mua vào ngày 18 tháng 3 năm 2019, nguyên đơn xác định là tài sản chung, yêu cầu chia, nhưng không chứng minh được nguồn tiền để mua chiếc xe. Bị đơn xác định được nguồn tiền để mua chiếc xe là tiền bán chiếc VISION và tiền cha mẹ cho để mua chiếc xe SH. Mặt khác, thời điểm mua xe giữa nguyên đơn và bị đơn chưa đăng ký kết hôn, nên việc nguyên đơn cho rằng chiếc xe là tài sản chung có sự đóng góp tiền của nguyên đơn, số tiền bao nhiêu để mua chiếc xe là sự cần thiết để nguyên đơn phải chứng minh. Đối với bị đơn đã chứng minh được bị đơn là người mua xe và đứng tên quyền sở hữu chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA, loại SH 125i, Biển số kiểm soát 95B1-679.65. Hội đồng xét xử phúc thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Phan Bích Q, công nhận xe mô tô nhãn hiệu HONDA, loại SH 125i, biển số kiểm soát 95B1-679.65 là tài sản riêng của bị đơn.

(ii) Riêng phần tranh chấp số tiền nhận cố đất 70.000.000đồng là tài sản chung hay tài sản riêng của bị đơn, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết công nhận số tiền 70.000.000đồng là tài sản chung, buộc bị đơn bà Phan Bích Q hoàn số tiền 35.000.000đồng cho nguyên đơn ông Danh Hoài P là không phù hợp, bởi giao dịch cố đất chưa được giải quyết thì không có cơ sở để chia số tiền 70.000.000đồng. Mặt khác, nghĩa vụ hoàn trả số tiền cố đất 70.000.000đồng là của ông Danh S2, bà Thị N, chứ không phải là trách nhiệm của bị đơn. Bản án sơ thẩm chưa giải quyết được toàn diện nội dung của giao dịch cố đất. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tách giao dịch cố đất giữa nguyên đơn ông Danh Hoài P, bị đơn bà Phan Bích Q với ông Danh S2 và bà Thị N để giải quyết bằng vụ án khác, khi các đương sự có yêu cầu.

(iii) Về nợ chung, bị đơn bà Phan Bích Q không đồng ý chia đôi món nợ do nguyên đơn ông Danh Hoài P vay của Ngân hàng B số tiền 50.000.000đồng. Món nợ này do ông Danh Hoài P đứng tên vay vào ngày 22 tháng 3 năm 2021, tại thời điểm này hôn nhân giữa nguyên đơn và bị đơn đang tồn tại. Tuy nhiên, việc ông P vay số tiền 50.000.000đồng với hình thức trả dần nợ gốc và lãi trừ vào lương hàng tháng của ông P, bà Q không biết và ông P không mang tiền về sử dụng chung trong gia đình. Ông P không chứng minh được số tiền này là nợ chung nên không có cơ sở buộc bà Q phải có trách nhiệm hoàn cho ông số tiền 20.902.194đồng như quyết định của bản án sơ thẩm. Do vậy, bị đơn kháng cáo có cơ sở nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

(iv) Đối với hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn ông Danh Hoài P, bị đơn bà Phan Bích Q với ông Trần Mỹ S1. Theo đó, ông P và bà Q đã thống nhất số tiền 25.000.000đồng tài sản chung cho ông Trần Mỹ S1 vay. Tuy nhiên, tại hồ sơ chưa thu thập tài liệu chứng cứ về giao dịch vay tài sản. Việc cho vay chỉ có sự xác nhận của nguyên đơn và bị đơn, không có lời trình bày của ông Trần Mỹ S1. Như vậy, Bản án sơ thẩm chưa làm rõ giao dịch cho vay tài sản giữa các bên có thỏa thuận về lãi suất hay không, thời hạn cho vay. Do đó, không có cơ sở để giải quyết buộc bị đơn bà Phan Bích Q có nghĩa vụ hoàn trả ½ giá trị số tiền 25.000.000đồng cho nguyên đơn. Nghĩa vụ trả nợ là của ông Trần Mỹ S1, ông có trách nhiệm trả cho vợ chồng ông P bà Q mỗi người ½ số tiền 25.000.000đồng và tiền lãi suất nếu có. Bản án sơ thẩm buộc bà Q có trách nhiệm hoàn ½ số tiền 25.000.000đồng cho ông Trần Mỹ S1 vay là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Như vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải tách giao dịch vay tài sản ra để giải quyết bằng một vụ án khác khi các đương sự có phát sinh tranh chấp.

9. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 03/2023/HNGĐ-PT ngày 26/01/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn

Nội dung sửa án 

(i) Đối với phần đất diện tích 9.330,7 m2 (đo đạc thực tế là 9.451,3 m2) phần đất này được UBND huyện T, tỉnh Tây Ninh cấp GCNQSDĐ cho hộ ông B đứng tên và cấp lần đầu vào ngày 09/11/1998, diện tích 11.300 m2. Qua xác minh Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T, tỉnh Tây Ninh thì thời điểm năm 1998, UBND huyện T, tỉnh Tây Ninh cấp GCNQSDĐ theo mẫu hộ gia đình là cấp cho các thành viên trong hộ gia đình; theo quy định tại Điều 118 Bộ luật dân sự 1995 quy định “Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”. Ông B, bà H thừa nhận là tài sản được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 1998 anh V là con của ông B, bà H lúc này anh V chỉ mới 11 tuổi nên không có công sức đóng góp cũng như cùng tạo lập phần tài sản này nên có cơ sở xác định phần diện tích đất này là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chỉ có ông B, bà H có quyền quản lý, sử dụng. Cấp sơ thẩm xác định là tài sản chung có cả anh V là không đúng quy định. Phần đất này được cho nhiều người thuê, bà H cũng không trực tiếp canh tác, cấp sơ thẩm đã chia bằng QSDĐ là phù hợp. Do đó kháng cáo của bà H có cơ sở chấp nhận một phần, xác định phần đất này là tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên chia theo quy định của pháp luật.

(ii) Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu đã kháng nghị một phần bản án về xác định tài sản chung hộ gia đình, án phí, thấy rằng: thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình thì thời điểm này theo mẫu giấy chung là cấp cho hộ, anh V còn nhỏ sống phụ thuộc vào gia đình nên không có công sức đóng góp tạo lập tài sản, cấp sơ thẩm xác định anh V cũng là thành viên được cấp giấy và chia cho anh V 01 phần QSDĐ là không đúng theo quy định tại Điều 118 Bộ luật dân sự 1995.

(iii) Chị T yêu cầu chia phần đất diện tích theo GCNQSDĐ là 9.330,7 m², tại thửa đất số 158, tờ bản đồ số 17, tọa lạc tại ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Tây Ninh do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh T cấp GCNQSDĐ cho hộ cha chị đứng tên ngày 15/7/2016 theo quy định của pháp luật. Yêu cầu độc lập của chị T không được chấp nhận nhưng cấp sơ thẩm không buộc chị T chịu án phí là chưa đúng theo quy định của pháp luật cần rút kinh nghiệm. Trong trường hợp này chị T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch theo quy định tại khoản 7, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

10. Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 12/2024/HNGĐ-PT ngày 28/02/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn

Nội dung sửa án 

Đối với cây trồng trên toàn bộ thửa đất số 298 có tổng diện tích 3.630,2m2 hiện do chi Khanh đứng tên quyền sử dụng đất. Anh Ớ yêu cầu chia ½ giá trị cầy trồng, chị K1 không đồng ý mà chỉ đồng ý chia cho anh Ớ số cây trồng trên phần diện tích đất 750m2 anh Ớ được chia mà thôi. Xét thấy, anh Ớ và chị K1 xác lập quan hệ vợ chồng vào năm 2006, năm 2008 thì chị K1 được cha mẹ cho 2.130,2m2, thời gian này thì vợ chồng có mua thêm 1.5000m2, nên tổng số diện tích 3.630,2m2 do chị K1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị K1 cũng thừa nhận, toàn bộ cây trồng trên thửa đất số 298 là do vợ chồng canh tác trồng cây (sầu riêng và mít) đến năm 2020 thì vợ chồng mâu thuẫn và ly thân. Từ tháng 6 năm 2020 cho đến nay thì anh Ớ không canh tác mà do chị K1 cho anh Nguyễn Văn Đ1 thuê canh tác theo hình thức chia lợi nhuận khi thu hoạch trái cây (sầu riêng + Mít). Như vậy đã có cơ sở xác định, anh Ớ có công sức đóng góp trong toàn bộ số cây trồng trên thửa đất số 298 từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2020 (ly thân). Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu của anh Ớ đòi chia ½ giá trị cây trồng trên thửa đất 298 là đánh giá không toàn diện các chứng cứ và lời thừa nhận của chị K1 “ vợ chồng canh tác toàn bộ thửa đất số 298 đến khi ly thân là tháng 6 năm 2020”. Tuy nhiên, cần xem xét nguồn gốc phần đất còn lại (2.130,2m2) là của cha mẹ chị K1 tặng cho, từ tháng 6 năm 2020 (ly thân)cho đến nay thì toàn bộ cây trồng trên đất do chị K1 hùn canh tác với ông Đ1 thì cây trái mới được sum suê và có giá trị như ngày hôm nay. Cho nên, Hội đồng xét xử xác định công sức đóng góp của anh Ớ trong tổng số cây trồng trên thửa đất số 298 tương đương 30% giá trị cây trồng trên đất theo kết quả định giá của Tòa án sơ thẩm là phù hơp với thực tế cũng như đảm bảo quyền lợi cho các bên, còn lại 70% giá trị cây trồng trên đất là thuộc quyền sở hữu và công sức đóng góp của chị K1. Do dó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của anh Ớ đối với giá trị cây trồng trên thửa đất số 298, chia cho anh Ớ 30% giá trị cây trồng, chia cho chị K1 70% giá trị cây trồng. Anh Ớ được nhận cây trồng gắn liền với phần đất 750m2 tại thửa đất số 298 được chia, nếu phát sinh chệnh lệch thì hai bên hoàn trả cho nhau giá trị bằng tiền.