MỤC LỤC
1. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2024/KDTM-PT ngày 02/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung hủy án:
Đối với Hợp đồng thế chấp số TC 228/13 ngày 22/11/2013 thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng tại thời điểm bà C vay ngân hàng, ký hợp đồng thế chấp số TC 228/13 ngày 21/11/2013 mặc dù những người con của bà C có làm hợp đồng ủy quyền, nhưng còn một người con út là chị Hoàng Thị Mỹ L2 sinh năm 1991 đã đủ 15 tuổi cũng là thành viên của hộ gia đình không ký, nên căn cứ Điều 109 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 để tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ, thửa đất số 246B, tờ bản đồ số 14, đã được UBND huyện K cấp GCNQSDĐ vào ngày 30 tháng 9 năm 2003 cho hộ bà Cao Thị C. Như vậy, tại thời điểm này bà C là chủ hộ, còn chị L2 là con út trong gia đình lúc này mới 12 tuổi, đang trong độ tuổi ăn học, chưa có công sức đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ. Mặt khác, theo lời khai của bà C và tại Biên bản xác minh (BL số 135) thì xác định chị L2 là người bị nhiễm chất độc hóa học, bị dị dạng, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bà C phải chăm sóc và nuôi từ nhỏ cho đến nay, hiện chị L2 cũng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Do đó có cơ sở xác định bà C là người trực tiếp nuôi dưỡng, chị L2 là người sống phụ thuộc mẹ. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm có đưa chị L2 vào tham gia tố tụng vơi tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng không thu thập lời khai và ý kiến của chị L2, đồng thời theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu chị L2 thuộc trường hợp “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” thì cần phải có người giám hộ trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện nội dung này đã làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của đương sự.
2. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2024/KDTM-PT ngày 07/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung hủy án:
(i) Hồ sơ vụ án thể hiện đây là tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại giữa hai chủ thể có đăng ký kinh doanh với nhau nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận nên là quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại. Tòa án thụ lý vụ án kinh doanh thương mại là đúng quy định. Tuy nhiên, trong phần nội dung và nhận định Tòa án không nêu rõ tư cách của chủ thể ký kết hợp đồng cũng như không nhận định đây là vụ án kinh doanh thương mại là thiếu sót. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS (các điều luật quy định về thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình) là không chính xác, mà phải căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS mới đúng quy định.
(ii) Ngày 15/11/2022, Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong khi họ chỉ có yêu cầu, đề nghị trong quá trình Tòa án lấy lời khai, hòa giải mà không có đơn yêu cầu độc lập riêng là vi phạm Điều 202, khoản 1 Điều 189 BLTTDS.
(iti) Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không thông báo và yêu cầu họ nộp tiền tạm ứng án phí là vi phạm khoản 1, khoản 3 Điều 195 BLTTDS.
(iv) Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn ngoài yêu cầu bị đơn phải trả nợ gốc, trả nợ lãi đến ngày 27/7/2022 thì còn yêu cầu bị đơn phải “trả lãi phát sinh cho đến khi xét xử và tất toán khoản nợ theo lãi suất đã thỏa thuận”. Tại phiên tòa, nguyên đơn không rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với “khoản lãi suất mà bị đơn phải trả đến ngày tất toán xong khoản nợ” nhưng tại phần quyết định của bản án, HĐXX không tuyên buộc bị đơn phải chịu lãi suất “kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử cho đến khi tất toán xong khoản nợ” là thiếu sót, không giải quyết hết yêu cầu của nguyên đơn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.
(v) Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, anh S, chị T2 (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) chỉ yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình đối với diện tích 189m2 đất mua của anh Q, chị T năm 2012 và ngôi nhà hơn 140m2 anh chị đã xây dựng từ năm 2014 trên diện tích đất đã mua mà không yêu cầu Tòa án phải giải quyết hậu quả của hợp đồng nếu Tòa án không công nhận. Tuy nhiên, Tòa án không chấp nhận yêu cầu độc lập của anh S, chị T2, đồng thời tuyên nghĩa vụ bồi thường của nguyên đơn và bị đơn đối với ngôi nhà hơn 140m2 mà anh S, chị T2 đã xây dựng trên diện tích đất của anh Q, chị T là vượt quá yêu cầu độc lập.
(vi) Yêu cầu độc lập của anh S, chị T2 không được Tòa án chấp nhận nhưng Tòa án không tuyên họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là vi phạm khoản 1 Điều 146, khoản 1 Điều 147 BLTTDS và khoản 6 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
(vii) Bản án chia phần lỗi đương sự phải chịu với số tiền cụ thể mà không tuyên án phí KDTM sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền đương sự phải chịu bồi thường là vi phạm khoản 6 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, gây thiệt hại tiền án phí cho Nhà nước.
(viii) Trong phần nhận định, HĐXX có nêu về trách nhiệm bồi thường của anh Q, chị T và Ngân hàng đối với anh S, chị T2 nhưng đến phần quyết định, HĐXX chỉ tuyên: “Cả ba bên đều có lỗi: Hợp đồng thế chấp của Ngân hàng TMCP S có lỗi trong quá trình thẩm định hồ sơ, khách hàng khai báo không trung thực, anh S, chị T2 xây dựng nhà trái phép. Vì vậy anh Q, chị T phải chịu lỗi 70% giá trị nhà là 106.044.596 đồng, Ngân hàng phải chịu lỗi 30% là 45.433.397 đồng”. Nội dung tuyên án này không thể hiện được anh S, chị T2 có được nhận phần trị giá ngôi nhà hay không? Anh Q, chị T hay Ngân hàng phải chịu lỗi thì số tiền này anh Q, chị T hay Ngân hàng có phải trả cho anh S, chị T2 không? Nếu phải trả thì phải trả khi nào? ... Những vấn đề này HĐXX không tuyên rõ là gây khó khăn cho công tác thi hành án cũng như không có căn cứ để đương sự yêu cầu thi hành án.
(ix) Bản án áp dụng khoản 2 Điều 227, Điều 228 BLTTDS khi mở phiên tòa xét xử vụ án KDTM có mặt đủ nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là áp dụng không đúng căn cứ pháp luật.
(x) Bị đơn phải chịu án phí KDTM có giá ngạch, nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí nhưng bản án chỉ nêu chung chung là áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án là thiếu tính cụ thể, chính xác.
(xi) Bản án có nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong trình bày nội dung như: không nêu cụ thể thời điểm vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bị đơn; vào ngày xét xử vụ án 25/9/2023, Ngân hàng trình bày tổng khoản nợ của anh Q, chị T là 920.942.607 đồng mà không nêu tính đến ngày nào? Bị đơn chấp nhận tổng nợ Ngân hàng tính đến ngày 17/7/2022 là 807.167.803 đồng, nhưng phần quyết định, HĐXX lại tuyên buộc bị đơn trả nợ tính đến ngày 29/9/2023 là 920.942.607 đồng.
(xii) Bản án không nêu cụ thể yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và ở phần Quyết định của bản án cũng không tuyên rõ “Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
(xiii) Trong bản án sử dụng thuật ngữ không đúng. Cụ thể: Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng HĐXX lại nêu là: “Tài sản thế chấp gồm: 01(một) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Mai Văn Q và 01(một) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Nguyễn Văn T1 và chị Mai Thị H”; hoặc nhận định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì HĐXX lại nêu là: “Về hợp đồng mua bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
(xiv) Bản án nhiều lỗi chính tả, lỗi dòng kẻ, phông chữ.
(xv) Phần đầu của bản án ghi ngày 25 đến 29/9/2023 là không chính xác, mà chỉ cần ghi ngày tuyên án là ngày 29/9/2023 theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(xvi) Phần quyết định của bản án tuyên nếu không thanh toán được khoản nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng thì tài sản thế chấp sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 29 Bộ luật dân sự là không chính xác.
(xvii) Bản án có kháng cáo, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không ra thông báo về việc kháng cáo là vi phạm khoản 1 Điều 277 BLTTDS.
(xviii) Thông báo cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí với số tiền 300.000 đồng và 2.000.000 đồng là không đúng quy định.
(ixx) Theo ý kiến của cán bộ địa chính xã T tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 23/9/2022, thì địa chỉ thửa đất số 617, tờ bản đồ số 31, bản đồ địa chính xã T đứng tên anh Nguyễn Văn T1, chị Mai Thị H thuộc thôn N, xã T, nhưng bản án xác định địa chỉ thửa đất tại thôn M, xã T là không chính xác.
(xx) Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Q, chị T với anh S, chị T2 là vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu, xác định lỗi của các bên, buộc nguyên đơn, bị đơn phải bồi thường phần giá trị của ngôi nhà cho anh S, chị T2 đối với phần lỗi của mình là không phù hợp với quy định của pháp luật, vượt quá yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì phải xác định là lỗi của anh Q, chị T, hay của anh S, chị T2, chứ không phải lỗi của ngân hàng.
(xxi) Nếu xác định Ngân hàng có lỗi trong việc thẩm định tài sản thế chấp, thì cần phải xem xét phần diện tích 189m2 đất anh Q, chị T đã chuyển nhượng cho anh S, chị T2 có được đưa vào tài sản thế chấp để xử lý khi anh Q, chị T không trả được nợ cho Ngân hàng hay không, bản án sơ thẩm buộc Ngân hàng phải trả khoản tiền 45.433.397 đồng cho anh S, chị T2 là không đúng quy định của pháp luật.
3. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2024/KDTM-PT ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung hủy án:
(i) Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T 373687 cấp cho hộ ông Nguyễn Văn N không thể hiện các tài sản (nhà) trên các thửa đất số 40, 190, 222. Khi thẩm định tài sản thế chấp, Ngân hàng biết trên đất có nhiều căn nhà nhưng Ngân hàng chỉ định giá quyền sử dụng đất là 15.314.000.000 đồng, mà không thu thập thông tin, tài liệu để xem xét làm rõ nguồn gốc cũng như ai là chủ sở hữu tất cả các căn nhà, công trình xây dựng và cây trồng trên đất là thiếu sót, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
(ii) Tuy nhiên khi giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm chỉ quyết định chung chung về tài sản thế chấp là “Toàn bộ các tài sản gắn liền với đất đã, đang hoặc sẽ hình thành, phần giá trị công trình, diện tích cải tạo, đầu tư xây dựng thêm gắn liền với diện tích đất đã thế chấp; toàn bộ các quyền, lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất (bao gồm nhưng không giới hạn ở hoa lợi, lợi tức, quyền nhận tiền đền bù, tiền bồi thường…) của tất cả các quyền sử dụng đất được nêu trên đều thuộc tài sản thế chấp” mà không quyết định cụ thể việc xử lý phát mãi từng căn nhà, cây trồng trên đất của người thế chấp và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đương sự, đồng thời không thể thi hành bản án được.
4. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT ngày 28/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung hủy án:
(i) Xét thấy việc cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ngân hàng đối với tài sản theo Hợp đồng thế chấp và Hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Cao Xuân H1 không được sự nhất trí của vợ chồng ông H1 và người đại diện của công ty V1 và tài sản thế chấp, bảo lãnh của vợ chồng ông Nguyễn Hồng A1 và bà Trương Thị Tuyết V, mặt khác vợ chồng ông H1 thế chấp và bảo lãnh cho Công ty V1 vay số tiền số tiền 2.200.000.000đ và các loại phí và lãi phát sinh nhưng khi cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vẫn buộc công ty V1 phải trả các khoản tiền gốc, lãi theo các hợp đồng tín dụng số tiền 53.100.085.346 đồng và xử lý tài sản bảo đảm của công ty, tài sản của vợ chồng ông Nguyễn Hồng A1 và bà Trương Thị Tuyết V để trả số tiền trên cho ngân hàng đã xâm phạm đến quyền lợi của công ty và vợ chồng ông A1, bà V; nếu cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết về phần thế chấp và bảo lãnh tài sản của vợ chồng ông H1, cấp sơ thẩm phải tính trị giá số tiền mà vợ chồng ông H1 thế chấp và bảo lãnh ra và chỉ buộc Công ty phải trả cho ngân hàng số tiền sau khi đã trừ khoản tiền vợ chồng ông H1 đứng ra bảo lãnh và khoản tiền đảm bảo cho việc thế chấp tài sản mới đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự, Việc cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu này tài sản của vợ chồng ông H1 bà T sau này khó xử lý. Do vậy kháng cáo của đại diện công ty V1, kháng cáo của ông H1 và ông A1 là có căn cứ chấp nhận.
(ii) Thông qua Bản án này, cấp sơ thẩm xử lý tài sản thế chấp và bảo lãnh của vợ chồng ông A1 cũng không đúng quy định của pháp vì vợ chồng ông A1 bảo lãnh cho Công ty V1 vay tiền nhưng nhưng không buộc vợ chồng ông A1 phải trả cho ngân hàng số tiền đã bảo lãnh cho Công ty V1 là vi phạm Điều 3 của Hợp đồng bảo lãnh ký kết giữa ngân hàng, vợ chồng ông A1 và Công ty V1, nếu như vợ chồng ông A1 không trả được số tiền bảo lãnh mới xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng vợ chồng ông A1 thế chấp.
5. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 06/2023/KDTM-PT ngày 06/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung hủy án:
Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm. Tòa án đã xác định anh Giáp Bình D2, chị Giáp Thị Quỳnh N là người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Đương sự trong vụ án đã trình bày gia đình ông L có người đi nước ngoài. Tuy nhiên Tòa sơ thẩm chỉ thực hiện việc xác minh thông tin xuất nhập cảnh đối với ông L và bà M (công văn số 144 ngày 18/5/2022; được Cục Q trả lời số 11081 ngày 26/5/2022 trả lời không có thông tin xuất cảnh đối với ông L và bà M). Cấp sơ thẩm không thực hiện việc xác minh thông tin xuất cảnh đối với anh D2 và chị N.
Ngày 24/4/2023 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 58/CV đề nghị Cục Q cung cấp thông tin; tại văn bản số 10407/P5 ngày 05/5/2023 Cục Q trả lời: Anh Giáp Bình D2 đã xuất cảnh 9 lần, ngày xuất cảnh gần nhất 10/8/2022 hiện chưa có thông tin nhập cảnh; chị Giáp Thị Quỳnh N xuất cảnh 3 lần, ngày xuất cảnh gần nhất 04/01/2020, hiện chưa có thông tin nhập cảnh.
Đây là tình tiết mới phát sinh tại cấp phúc thẩm. Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm thì tòa án cấp sơ thẩm không thể nắm được nên xác định lỗi vi phạm này là lỗi khách quan của cấp sơ thẩm.
Như vậy: Ngày 20/5/2022 Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn thụ lý vụ án; chị N xuất cảnh ngày 04/01/2020 là trước ngày Tòa án thụ lý vụ án; anh D2 xuất cảnh 10/8/2022 sau ngày Tòa án thụ lý vụ án. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật TTDS thì thẩm quyền giải quyết là của Tòa án ND tỉnh B. Tòa án ND huyện L giải quyết là không đúng thẩm quyền. Cần áp dụng khoản 3 Điều 308 BLTTDS hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án tỉnh Bắc Giang giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
6. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2018/KDTM-PT ngày 15/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung sửa án:
(i) Bản án sơ thẩm đã quyết định không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đề nghị xử lý tài sản đảm bảo của hộ ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 trong trường hợp ông V bà P1 không trả được nợ. Tuy nhiên ông B1 bà H1 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ông bà đang sử dụng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông bà được chính quyền địa phương giao thực chất là của ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H1, ông B1 và bà H3 đều yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B1 bà H3 và không chấp nhận việc phát mại tài sản đảm bảo. Cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 với Ngân hàng là vô hiệu, như vậy quyết định này là có cơ sở. Nhưng cấp sơ thẩm không xem xét việc buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3 là thiếu sót bởi lẽ theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội8 đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải giải quyết yêu cầu này trong vụ án. Như vậy nội dung này của kháng nghị được chấp nhận, cần buộc Ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3.
(ii) Khi xét xử, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản đảm bảo của ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 nhưng không buộc Ngân hàng phải chịu án phí là trái với quy định tại khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án. Theo đó nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận. Như vậy nội dung này của kháng nghị là có cơ sở, cần buộc Ngân hàng phải chịu án phí đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.
7. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2018/KDTM-PT ngày 15/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung sửa án:
(i) Bản án sơ thẩm đã quyết định không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đề nghị xử lý tài sản đảm bảo của hộ ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 trong trường hợp ông V bà P1 không trả được nợ. Tuy nhiên ông B1 bà H1 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ông bà đang sử dụng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông bà được chính quyền địa phương giao thực chất là của ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H1, ông B1 và bà H3 đều yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B1 bà H3 và không chấp nhận việc phát mại tài sản đảm bảo. Cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 với Ngân hàng là vô hiệu, như vậy quyết định này là có cơ sở. Nhưng cấp sơ thẩm không xem xét việc buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3 là thiếu sót bởi lẽ theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải giải quyết yêu cầu này trong vụ án. Như vậy nội dung này của kháng nghị được chấp nhận, cần buộc Ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn B1 vợ là Nguyễn Thị H3.
(ii) Khi xét xử, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản đảm bảo của ông Nguyễn Văn B1 vợ là Chu Thị H1 nhưng không buộc Ngân hàng phải chịu án phí là trái với quy định tại khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án. Theo đó nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận. Như vậy nội dung này của kháng nghị là có cơ sở, cần buộc Ngân hàng phải chịu án phí đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.
8. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2023/KDTM-PT ngày 12/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - V về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung sửa án:
Theo Bản án số 73/2011/KDTM-ST ngày 30/9/2011 của Tòa án nhân dân quận P, Thành phố M đã có hiệu lực pháp luật thì Công ty TNHH Thương mại H phải thi hành nghĩa vụ trả số tiền 24.369.982.186 đồng cho Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V.
Theo Công văn số 925/CCTHADS ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận P, Thành phố M thì ngày 15/12/2011, Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V đã có Đơn yêu cầu Thi hành án đối với Bản án số 73/2011/KDTMST ngày 30/9/2011 của Tòa án nhân dân quận P, Thành phố M. Chi cục Thi hành án dân sự quận P, Thành phố M đã ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 59/QĐ-CCTHA ngày 19/12/2011. Ngày 18/9/2012, Chi cục Thi hành án dân sự quận P, Thành phố M đã ra Quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án đối với Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V. Đến nay Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V vẫn chưa liên hệ yêu cầu Thi hành án trở lại.
Cho thấy, Công ty TNHH Thương mại H vẫn còn phải thi hành nghĩa vụ trả số tiền 24.369.982.186 đồng cho Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V. Tại Biên bản làm việc ngày 15/11/2013, giữa Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V và Ngân hàng TMCP N có thỏa thuận: Khoản công nợ thu được từ Công ty TNHH Thương mại H theo Bản án số 73/2011/KDTM-ST ngày 30/9/2011 của Tòa án nhân dân quận P, Thành phố M thì 50% sẽ trả nợ cho Ngân hàng N, còn 50% thì Chi nhánh 1 sẽ thanh toán cho Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V. Căn cứ Điều 365 Bộ Luật dân sự thì phía Ngân hàng được thực hiện đòi nợ đối với số nợ của Công ty TNHH Thương mại H phải thanh toán cho Công ty Cồ phần Thương mại và Đại lý Dầu tỉnh Bà Rịa-V.
Do đó, trong trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V không trả hoặc không trả đủ nợ thì Ngân hàng TMCP N được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án thu hồi số tiền của Công ty TNHH Thương mại H phải thi hành Bản án số 73/2011/KDTM-ST ngày 30/9/2011 của Tòa án nhân dân quận P, Thành phố M cho Công ty Cổ phần Thương mại D tỉnh B-V để thanh toán cho Ngân hàng TMCP N tương ứng với số nợ còn thiếu.
9. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 06/2023/KDTM-PT ngày 22/11/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung sửa án:
(i) Về thủ tục tố tụng: Theo hợp đồng tín dụng được giao kết giữa Ngân hàng với ông Lê Việt T thấy rằng: Tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự có quy định tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Trong vụ án này ông T không có đăng ký kinh doanh, không có mục đích lợi nhuận, do vậy phải xác định đây là tranh chấp hợp đồng dân sự theo Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
(ii) Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của Ngân hàng là có căn cứ, tuy nhiên cấp sơ thẩm tuyên mức án phí của vụ án kinh doanh thương mại là không đúng mà phải tuyên mức án phí của vụ án dân sự mặc dù tiền án phí của 2 loại án này giống nhau, mặt khác thu tiền tạm ứng án phí của V1 2.000.000đ (hai triệu đồng) đối với vụ án kinh doanh thương mại là chưa chính xác, phải xác định mức tiền tạm ứng án phí của vụ án dân sự, do vậy VIB chỉ phải nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí của vụ án dân sự mới đúng, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
10. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT ngày 16/05/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
Nội dung sửa án:
Hợp đồng thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 034E/HĐTC- VIB70/07 ngày 21/11/2007 và Phụ lục họ đồng số 034E.01/PLHDDTC2- VIB70/07 ngày 28/10/2008. Tại Điều 1 của Phụ lục hợp đồng đã sửa đổi khoản 1, Điều 1 nghĩa vụ đảm bảo của hợp đồng và được quy định như sau: Nghĩa vụ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là nghĩa vụ trả nợ của Bên vay vốn đối với V bao gồm: Tiền vay (nợ gốc), lãi vay, lãi quá hạn, chi phí xử lý tài sản thế chấp, các khoản liên quan khác theo Hợp đồng tín dụng số.....và toàn bộ các hợp đồng tín dụng, Phụ lục hợp đồng tín dụng khác phát sinh giữa hai bên kể từ ngày 26/09/2006 đến ngày 26/09/2015”.
Như vậy, theo quy định sửa đổi của phụ lục hợp đồng nêu trên đã điều chỉnh nghĩa vụ xử lý tài sản thế chấp bao gồm các khoản nợ của Hợp đồng tín dụng số 041/HĐTD2-VIB402/09 ngày 02/11/2009 và số 039/HĐTD2- VIB402/10 ngày 02/8/2010. Theo quy định trên cũng thể hiện đảm bảo nghĩa vụ cho các khoản vay là nghĩa vụ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là đất và tài sản gắn liền với đất được nêu trên. Do đó, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm và xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ là có cơ sở nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.