MỤC LỤC
1. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 448/2020/KDTM-PT ngày 01/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công.
Nội dung hủy án:
Xét thấy, tại cấp sơ thẩm, Bị đơn là Công ty Cổ phần SG có yêu cầu phản tố đối với Nguyên đơn. Tại bản án sơ thẩm trong phần nhận định có xem xét về yêu cầu phản tố của Bị đơn là không chấp nhận yêu cầu của Bị đơn, nhưng trong phần tuyên của bản án không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của Bị đơn, đồng thời tại biên bản nghị án thể hiện không có thảo luận và quyết định về yêu cầu phản tố của Bị đơn là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự về Bản án sơ thẩm: “Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án” và Khoản 3 Điều 264 Bộ luật Tố tụng Dân sự về Nghị án: “Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử”. Với những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nêu trên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn, đó là yêu cầu phản tố của Bị đơn chưa được giải quyết tại cấp sơ thẩm. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Do hủy bản án sơ thẩm nên yêu cầu kháng cáo của Bị đơn chưa được xem xét tại cấp phúc thẩm này.
2. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2023/KDTM-PT ngày 09/02/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về tranh chấp nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng.
Nội dung hủy án:
(i) Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành xác minh về Công ty P1 là chủ đầu tư và người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu L, kết quả xác minh, trên thực tế Công ty P1 không còn hoạt động cả về con người và hoạt động sản xuất; trụ sở Công ty P1 bỏ không, cổng vào khóa ngoài; các công trình của Công ty P1 chưa hoàn thiện; mới có phần cọc bê tông được khoan nhồi dưới lòng đất. Người đại diện hợp pháp của Công ty P1 là ông Nguyễn Hữu L có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ: số nhà A, khu phố B, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương tuy nhiên ông L không sinh sống tại địa chỉ trên, ông L sinh sống ở đâu địa phương không xác định được. Mặt khác, quá trình ủy thác tư pháp, Tập đoàn I ngoài ý kiến trình bày thì không cung cấp tài liệu nào khác. Do đó, theo hồ sơ vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập được Hồ sơ số 03 được ký kết giữa Công ty P1 và Tập đoàn I.
Tuy nhiên, có đủ căn cứ xác định Công ty L2 là nhà thầu phụ được Công ty P1 chấp nhận, bởi theo Biên bản làm việc ngày 17/01/2012 được ký kết giữa bốn bên là Công ty B1, Tập đoàn I, Công ty P1 và Công ty L2 đã thống nhất nội dung: Công ty P1 sẽ cung cấp bê tông tươi và cốt thép, ngoài ra, trước đó, giữa Công ty P1, Tập đoàn I và Công ty L2 còn ký kết văn bản thỏa thuận ngày 07/6/2011.
(ii) Về nghĩa vụ thanh toán:
Khoản 1 Điều 81 Luật xây dựng 2003 quy định về thanh toán, quyết toán trong hoạt động xây dựng: “Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu”.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán Hợp đồng xây dựng: “Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có quy định khác”.
Khoản 10 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định: “...a) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của bên nhận thầu, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục và chuyển đề nghị thanh toán tới cơ quan cấp phát, cho vay vốn”.
Theo Điều 3.1 của Hợp đồng 01 thì Công ty B1 có trách nhiệm lập đủ hồ sơ liên quan theo quy định đệ trình cho Công ty L2 kiểm soát và mời tổng thầu là Tập đoàn I, Chủ đầu tư là Công ty P1 kiểm tra và nghiệm thu; Điều 6.2 của Hợp đồng 01 quy định về thanh toán hợp đồng, theo đó Công ty L2 là người thanh toán trực tiếp cho Công ty B1, việc thanh toán sẽ được thực hiện sau khi nhận được thanh toán từ nhà tổng thầu là Tập đoàn I. Các quy định này của Hợp đồng 01 đều phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật xây dựng 2003; Khoản 3, khoản 10 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng sau khi ký kết Hợp đồng 01, ngày 03/4/2012, giữa Công ty L2 và Công ty B1 tiếp tục ký kết Phụ lục hợp đồng 01, tại Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 lại hủy bỏ và thay thế quy định về trình tự thanh toán và trách nhiệm thanh toán tại Hợp đồng 01, theo đó giá trị thanh toán sẽ được trả trực tiếp từ Tập đoàn I vào tài khoản của Công ty B1. Điều 370 Bộ luật dân sự quy định về chuyển giao nghĩa vụ:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật dân sự thì Công ty L2 để có thể chuyển giao nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn I thì ngoài sự đồng ý Công ty B1 thì phải có sự thỏa thuận giữa Công ty L2 với Tập đoàn I thể hiện Tập đoàn I đồng ý có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ giá trị Hợp đồng 01 cho Công ty B1.
Tại văn bản trả lời của Tập đoàn I cũng như tại đơn kháng cáo, Tập đoàn I khẳng định đây chỉ là thỏa thuận giữa Công ty L2 và Công ty B1, không có bất cứ tài liệu nào thể hiện sự đồng ý của Công ty I1 đối với nghĩa vụ thanh toán những chi phí về công việc xây dựng được thực hiện bởi các nhà thầu phụ của Công ty L2. Mặc dù Công ty I1 có quan điểm thể hiện đã liên tục thông báo cho Công ty L2 rằng đồng ý tính những chi phí của Công ty B1 vào tổng số tiền tạm ứng 1.244.500 ERU và số tiền 170.689,5 EUR là phần còn lại của khoản tiền tạm ứng do Công ty I1 đã thanh toán cho Công ty L2 nhưng việc này cũng không đồng nghĩa với việc Tập đoàn I đồng ý có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty B1.
Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận riêng tại Điều 6.2 phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 03/4/2012 để buộc Tập đoàn I phải thanh toán cho Công ty B1, trong khi Tập đoàn I không đồng ý là không đúng quy định pháp luật về thỏa thuận của các bên đương sự, là chưa đủ căn cứ vững chắc, có thể xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn I. Để có cơ sở vững chắc khẳng định nghĩa vụ thanh toán thuộc về Công ty P1, Tập đoàn I hay Công ty L2 thì cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh bổ sung có sự chuyển giao nghĩa vụ giữa các bên hay không, đặc biệt là Hợp đồng 03 được ký kết giữa Công ty P1 và Tập đoàn I về điều khoản thanh toán của Hợp đồng xem các bên có thỏa thuận nào khác hay không, từ đó xác định Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 có giá trị pháp lý hay không.
(iii) Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Công ty B1 luôn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Công ty L2 có nghĩa vụ thanh toán tiền thi công công trình theo Hợp đồng, tiền lãi và đền bù thiệt hại do việc chấm dứt Hợp đồng mà không có quan điểm bổ sung, thay đổi đề nghị Tập đoàn I phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cùng Công ty L2 hoặc có trách nhiệm trực tiếp thanh toán cho Công ty B1. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ khởi kiện bị đơn là Công ty L2 mà không yêu cầu Công ty có nghĩa vụ thanh toán hay liên đới thanh toán cùng Công ty L2. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Tập đoàn I phải thanh toán cho Công ty B1 số tiền là: 56.785.133.287 đồng, trong đó: Giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn phải được thanh toán và bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại là: 29.264.425.945 đồng; tiền lãi chậm trả là: 28.378.675.957 đồng là vượt quá yêu cầu khởi kiện của Công ty B1, vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Mặt khác, ngay cả khi Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 có giá trị pháp lý thì số tiền 56.785.133.287 đồng bao gồm cả giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn phải được thanh toán; bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại và lãi chậm trả. Mà trách nhiệm về việc bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại là trách nhiệm của riêng Công ty L2 khi chậm bàn giao mặt bằng, chi phí chờ đợi do huy động sớm thiết bị, chi phí chờ đợi trong quá trình khởi công... Việc chuyển giao nghĩa vụ cho Tập đoàn I là chuyển giao nghĩa vụ thanh toán chứ không chuyển giao nghĩa vụ bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại của Công ty B1 do lỗi của Công ty L2. Nghĩa vụ bồi thường các tổn thất, thiệt hại không liên quan đến Tập đoàn I.
3. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 200/2018/KDTM-PT ngày 05/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng.
Nội dung hủy án:
Về tố tụng: Xét nội dung giấy ủy quyền ngày 29/8/2017 chỉ ghi nhận Công ty TK ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Bích T đến Tòa án nhân dân Quận C làm việc vào ngày 29/8/2017 chứ không ủy quyền cho bà Thiện tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn cũng xác định không ủy quyền cho bà Thiện tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm. Tại Biên bản tống đạt do Văn phòng Thừa phát lại quận T lập ngày 22 tháng 9 năm 2017 ghi nhận nội dung đã thực hiện tống đạt “Quyết định xét xử số 291/2017/QĐST-DS ngày 20/9/2017 và Giấy triệu tập tham gia phiên tòa sơ thẩm vào lúc 09 giờ ngày 12/10/2017 cho bà Nguyễn Thị Bích T – Đại diện ủy quyền cho Công ty TK”. Người nhận văn bản là bà Trần Thị Thanh Th và bà Th cam kết giao văn bản cho bà T mà không có nội dung nào ghi nhận đã thực hiện tống đạt các văn bản trên cho Công ty TK. Do vậy bản án sơ thẩm xác định bà T là đại diện ủy quyền của Công ty TK và thực hiện thủ tục tống đạt quyết định xét xử và giấy triệu tập nêu trên cho bà T đến tham gia phiên tòa là không tuân thủ đúng quy định về thủ tục tống đạt được quy định tại Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên không đảm bảo tính hợp lệ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Phía Công ty TK cho rằng chưa nhận được các văn bản tố tụng nêu trên cũng như được thông báo về ngày xét xử sơ thẩm nên việc Tòa án nhân dân Quận C xử vắng mặt Công ty TK tại phiên tòa sơ thẩm mở vào lúc 09 giờ ngày 12/10/2017 là vi phạm thủ tục tố tụng về thủ tục tống đạt cũng như vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhận thông báo hợp lệ, tham gia phiên tòa và tranh luận tại phiên tòa của đương sự được quy định tại khoản 12, khoản 15 và khoản 20 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do vậy căn cứ khoản 3 Điều 308 và khoản 2 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát để chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
4. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 413/2021/KDTM-PT ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng xây dựng.
Nội dung hủy án:
(i) Về yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty Thiên Tuấn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Vinh Hoa về số tiền nợ Hợp đồng số 14/HĐXD 2013/TT-VH ngày 12/7/2013 và tiền lãi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn xuất trình các chứng cứ mới như Biên bản xác nhận khối lượng thực tế tại công trình 135 Hai Bà Trưng (không ghi cụ thể ngày, tháng, năm nhưng nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận biên bản này có trước Báo cáo Kiểm định chất lượng công trình xây dựng), Biên bản xác nhận khối lượng thực tế đã thi công ngày 07/6/2014, Các phiếu ủy nhiệm chi và Bảng sao kê giao dịch ngày 05/3/2021 của Ngân hàng TMCP Á Châu về nội dung các giao dịch của Công ty Thiên Tuấn từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2013 để xác định Công ty Thiên Tuấn đã chuyển khoản 900.000.000 đồng và chi 337.400.000 đồng tiền mặt cho Công ty Vinh Hoa. Sau khi cấn trừ tiền Công ty Thiên Tuấn mượn Công ty Vinh Hoa và tiền lãi vay tổng cộng 230.000.000 đồng, số tiền mà Công ty Thiên Tuấn tạm ứng cho Công ty Vinh Hoa của công trình 135 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.000.700.000 đồng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư yêu cầu thay đổi bản vẽ thiết kế thi công, bỏ phần thi công tầng lửng của công trình nên giá trị thực tế công trình nguyên đơn thực hiện chỉ có 847.623.106 đồng theo Biên bản xác nhận khối lượng thực tế tại công trình và Bảng giá mà Công ty Vinh Hoa đưa ra khi ký kết hợp đồng.
Ngược lại, nguyên đơn xác nhận bị đơn đã tạm ứng 1.000.700.000 đồng cho Công trình 135 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng căn cứ Báo cáo Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thì nguyên đơn đã hoàn thành xong công trình tại 135 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, còn một vài chi tiết như thiếu bu lông hoặc bu lông bắt vít không chặt là do nguyên đơn cố tình không thực hiện để bắt bị đơn phải thanh toán tiền thi công. Sau khi có báo cáo kiểm định thì nguyên đơn đã hoàn thành các việc thiếu sót và hiện nay công trình đã được đưa vào sử dụng.
Xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm Công ty Thiên Tuấn có xuất trình các chứng cứ nêu trên và các đương sự có lời khai mâu thuẫn với nhau về việc thực hiện công trình 135 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh theo Hợp đồng số 14/HĐXD 2013/TT-VH ngày 12/7/2013, về khối lượng công trình, có việc thay đổi bản vẽ bỏ phần thi công tầng lửng hay không và giá trị Hợp đồng thi công mà Công ty Vinh Hoa đã thực hiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cho rằng đã khắc phục các sai sót nêu trong phần kiến nghị, nhưng bị đơn khẳng định nguyên đơn chưa thực hiện, hoàn tất các công việc trong Báo cáo kiểm định kiến nghị. Do vậy, xét thấy cần phải hủy một phần bản án sơ thẩm chuyển về tòa án cấp sơ thẩm để thu thập thêm chứng cứ và cho hai bên đương sự đối chất với nhau để làm rõ khối lượng và giá trị công trình mà Công ty Vinh Hoa đã thực hiện.
(ii) Ngoài ra, đây là vụ án kinh doanh thương mại khi đương sự yêu cầu tính lãi chậm trả và lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án thì phải căn cứ Điều 306 Luật Thương mại để tính lãi mới đúng theo quy định của pháp luật.
Từ nhận định trên, hội đồng xét xử, xét thấy yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Thiên Tuấn là có cơ sở chấp nhận nên hủy một phần bản án sơ thẩm số 77/2020/KDTM-ST ngày 17/11/2020 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh để thu thập thêm chứng cứ về việc tranh chấp Hợp đồng số 14/HĐXD 2013/TT-VH ngày 12/7/2013 giữa Công ty Vinh Hoa và Công ty Thiên Tuấn.
Việc hủy án sơ thẩm, do có tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm nên cấp sơ thẩm không có lỗi.
5. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 17/2022/KDTM-PT ngày 11/01/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng.
Nội dung hủy án:
(i) Xét yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn và Bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy: Để giải quyết dứt điểm vụ án, cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ, đánh giá khách quan, toàn diện từng chứng cứ của vụ án. Xét, trong quá trình giải quyết vụ án Bị đơn có yêu cầu phản tố; yêu cầu Tòa án buộc Nguyên đơn thanh toán cho Bị đơn toàn bộ tiền thi công xây dựng giai đoạn 2 của Hợp đồng số 02/HĐTC/2017 ngày 15/01/2017 là 3.382.000.000 đồng và mái vòm hồ bơi là 450.000.000 đồng; bản án sơ thẩm xác định Hợp đồng số 02 do bà Nguyễn Thị Hoàng P ký kết với Bị đơn không được Nguyên đơn ủy quyền nên vô hiệu. Xét, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng này vô hiệu là không chính xác; theo Hướng dẫn tại Khoản 2 Phần I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì: “…nếu người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, người có thẩm quyền biết mà không phản đối thì hợp đồng đó không bị coi là vô hiệu..”. Trong giai đoạn sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm bà Nguyễn Thị Hoàng P trình bày: Bà P là em vợ của Nguyên đơn, được Nguyên đơn ủy quyền ký kết hợp đồng với Bị đơn; kể cả phần thi công mái vòm hồ bơi. Xét, quá trình Bị đơn thi công công trình này, Nguyên đơn biết nhưng không phản đối thể hiện qua các giao dịch với những người có liên quan và công trình này đã được Nguyên đơn đưa vào khai thác sử dụng.
Xét, Tòa án cấp sơ thẩm không quyết định trưng cầu giám định đối với yêu cầu phản tố của Bị đơn theo Khoản 2 Điều 102 và không áp dụng Điểm đ Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu phản tố (nếu Bị đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng) mà bác yêu cầu của Bị đơn với lý do không có chứng cứ là có thiếu sót về tố tụng và không đảm bảo tính chính xác, khách quan của vụ án vì các công trình phụ này là hiện hữu dễ nhận thấy, như mái vòm hồ bơi…nên không thể cho rằng không có chứng cứ.
(ii) Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hoàng P là người đại diện của Nguyên đơn trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng số 01 với Bị đơn, trước nay bà P đều xác định công trình này do Bị đơn xây dựng, đã được bàn giao, khánh thành và đưa vào khai thác; lời trình bày này của bà P là rất quan trọng liên quan đến việc Bị đơn có vi phạm về tiến độ thực hiện hợp đồng thi công xây dựng hay không và công trình có hư hỏng kém chất lượng là trước hay sau khi bàn giao để có căn cứ xem xét trách nhiệm của Bị đơn, nội dung này chưa được cấp sơ thẩm cho đối chất làm rõ; kể cả việc Bị đơn xây dựng thiếu diện tích 1.092,49m2 qua kết quả giám định việc xây dựng cũng chưa được các đương sự thống nhất về cách đo tính diện tích so với bản vẽ do hai bên ký kết hợp đồng. Tất cả việc này, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được; do có nhiều yêu cầu của các đương sự chưa thống nhất liên quan đến Hợp đồng số 01 và Hợp đồng số 02, kể cả các công trình phụ (ngoài hai hợp đồng này), vì vậy cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án.
Xét, việc hủy bản án sơ thẩm trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm không có lỗi vì trong giai đoạn phúc thẩm đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ giải trình thêm về quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng nên được xem là có tình tiết mới tại cấp phúc thẩm.
6. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 69/2020/KDTM-PT ngày 20/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An về tranh chấp hợp đồng thi công.
Nội dung sửa án:
(i) Ngày 08/6/2011 và ngày 15/7/2011 giữa Nguyên đơn và Bị đơn có ký kết Hợp đồng thi công xây dựng số 05-2011/HĐKT-DA-BL ngày 08/6/2011 và Phụ lục Hợp đồng thi công xây dựng số 1 (của Hợp đồng số 05-2011//HĐKTDA-BL) ngày 15/7/2011. Tại Điều 27.7 của Hợp đồng 05 là “trong trường hợp bên B sử dụng vật tư thép do bên A cung cấp vượt định mức theo quy định thì bên B phải thanh toán lại cho bên A giá trị tương ứng với khối lượng thép vượt định mức theo đơn giá thị trường tại thời điểm thanh toán” và Điều 5.3 của Hợp đồng 05 là “giá trên không bao gồm vật tư thép, bên A sẽ cung cấp thép theo đề nghị của bên B”. Tại Biên bản làm việc ngày 27/9/2013 Nguyên đơn và Bị đơn xác nhận giá trị khối lượng đã thi công theo Hợp đồng 05 là 4.231.573.658 đồng; Bị đơn đã thanh toán được số tiền là 3.193.360.460 đồng. Trên cơ sở đó xác định được giá trị khối lượng thi công còn lại chưa thanh toán của Hợp đồng 05 là 1.038.213.198 đồng. Khối lượng thép sau khi thi công còn tồn là 51,767 tấn, tương đương số tiền 841.213.750 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định giữa Nguyên đơn và Bị đơn không có thỏa thuận trong hợp đồng về việc Bị đơn cung cấp thép cho Nguyên đơn và sẽ được cấn trừ vào giá trị quyết toán nên không chấp nhận yêu cầu phản tố của Bị đơn và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn; buộc Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 1.038.213.198 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán 649.532.132 đồng, tổng cộng là 1.687.745.000 đồng là không có căn cứ, không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.
(ii) Tại bản giải trình ngày 07/12/2020 và tại phiên tòa phúc thẩm Bị đơn chấp nhận giá trị khối lượng thi công của Hợp đồng 05 là 4.231.573.658 đồng; Bị đơn thống nhất cấn trừ 13,21 tấn thép trong khối lượng thép còn tồn (51,767 - 13,21 = 38,557 tấn) và giá trị thép Nguyên đơn phải thanh toán lại cho Bị đơn là (38,557 tấn x 16.250đ/kg) = 626.551.250 đồng. Sau khi cấn trừ giá trị thép và số tiền Bị đơn còn nợ 1.038.213.198 đồng của Hợp đồng 05 thì số tiền Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn đối với Hợp đồng 05 và Phụ lục Hợp đồng 05 là (1.038.213.198 đồng - 626.551.250 đồng) = 411.661.948 đồng. Xét yêu cầu này của Bị đơn là có căn cứ, nên chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 411.661.948 đồng
(iii) Với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, có căn cứ xác định Bị đơn đã tạm ứng thanh toán Hợp đồng 06 và Phụ lục Hợp đồng 06 cho Nguyên đơn số tiền 15.500.000.000 đồng và số tiền tạm ứng thanh toán này lớn hơn giá trị thi công Hợp đồng 06; Phụ lục Hợp đồng 06 được các bên xác nhận tại văn bản “Hồ sơ quyết toán nhà thầu (xác nhận công nợ)” trong đó giá trị quyết toán là 10.915.476.990 đồng. Như vậy, Bị đơn đã tạm ứng thanh toán thừa cho Nguyên đơn số tiền (15.500.000.000 đồng - 10.915.476.990 đồng) = 4.584.523.010 đồng chưa được đưa vào cấn trừ; nay các bên thống nhất ngừng thực hiện hợp đồng, Bị đơn, yêu cầu Nguyên đơn trả lại số tiền tạm ứng còn thừa 4.584.523.010 đồng là có căn cứ chấp nhận. Do Bị đơn không vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng 06 và đã tạm ứng thừa số tiền cho Nguyên đơn nên yêu cầu của Nguyên đơn buộc Bị đơn thanh toán tiền thi công và tiền lãi theo Hợp đồng 06; Phụ lục Hợp đồng 06 là không có căn cứ chấp nhận. Vì vậy, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn.
(iv) Tòa án cấp sơ thẩm nhận định vào thời gian Bị đơn chuyển khoản số tiền 15.500.000.000 đồng là lúc Nguyên đơn chưa thực hiện việc thi công nên cũng chưa có khối lượng thực tế và nghiệm thu và qua hai lần ký quyết toán xác nhận công nợ vào ngày 31/12/2012 và ngày 27/9/2013 không đề cập đến số tiền 15.500.000.000 đồng Bị đơn đã chuyển khoản để thanh toán cho Hợp đồng 06, nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là không có cơ sở.
7. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2024/KDTM-PT ngày 28/02/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An về tranh chấp hợp đồng thi công.
Nội dung sửa án:
(i) Xét yêu cầu tính tiền phạt vi phạm: Từ phân tích tại mục [3] nêu trên, nhận thấy bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Điều X của Hợp đồng kinh tế nên theo thỏa thuận sẽ chịu phạt vi phạm là 0,01% giá trị hợp đồng (0,01% x 14.813.400.800 đồng), tức là 1.481.340 đồng/ngày. Tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm do chậm thanh toán từ ngày thụ lý vụ án ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm 14/9/2023 với mức phạt 10%/năm là thấp hơn mức mà các bên thỏa thuận, là có lợi cho bị đơn nên cấp sơ thẩm chấp nhận là đúng. Tuy nhiên, căn cứ theo các bút lục 02, 176, 184, số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là tiền phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định giải quyết về yêu cầu tính lãi chậm trả là không phù hợp với yêu cầu của nguyên đơn nên Hội đồng xét xử xác định lại đây là yêu cầu phạt vi phạm do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại.
(ii) Về thời gian yêu cầu phạt vi phạm: Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện đối với số tiền phạt do chậm thanh toán tính từ ngày 15/7/2022 cho đến ngày khởi kiện (10/01/2023) là 152.253.380 đồng và cấp sơ đã đình chỉ giải quyết đối phần yêu cầu đã rút. Nguyên đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm từ ngày thụ lý vụ án ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm (14/9/2023) nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại tính lãi phạt từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/9/2023 là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuy nhiên, các đương sự xác định không kháng cáo đối với nội dung này và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đề nghị điều chỉnh lại theo đúng yêu cầu của nguyên đơn. Nhận thấy sai sót này của cấp sơ thẩm không làm thay đổi bản chất, nội dung vụ án và việc điều chỉnh này có lợi cho bị đơn nên căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm về yêu cầu phạt vi phạm cho phù hợp với yêu cầu của nguyên đơn.
8. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 15/2023/KDTM-PT ngày 13/3/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng.
Nội dung sửa án:
Về nghĩa vụ thực hiện các giấy tờ pháp lý:
BĐ2 và NĐ đều thừa nhận các nghĩa vụ về việc thực hiện giấy tờ pháp lý theo hợp đồng chưa được thực hiện gồm: Phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thẩm định bản vẽ quy hoạch 1/500, Biên bản nghiệm thu (hoàn công) công trình của Ban quản lý Khu công nghiệp và giấy chứng nhận sở hữu công trình.
Tại Văn bản số 1952/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 10/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xác định từ ngày 16/9/2019 đến nay UBND tỉnh Bình Dương chưa có chỉ đạo mới về việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade. Do đó, việc NĐ chưa thực hiện các thủ tục này do sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, tại thời điểm xét xử vụ án, chưa có căn cứ cụ thể nào xác định thời điểm sự kiện bất khả kháng chấm dứt. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc chấm dứt hợp đồng và chấp nhận sự tự nguyện của nguyên đơn về việc thanh toán chi phí do các phần chưa thực hiện được là giải quyết triệt để vụ án, tránh việc tranh chấp kéo dài và trường hợp này không thuộc trường hợp giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố như bị đơn trình bày.
Ngoài ra, bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng sự kiện bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ cho NĐ là không có cơ sở. Bởi lẽ, việc thực hiện các giấy tờ pháp lý nêu trên là nghĩa vụ trong hợp đồng của NĐ nhưng không thể thực hiện được và không ấn định được thời gian để gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ này. Trong khi đó, NĐ tự nguyện thanh toán các chi phí để BĐ2 thực hiện các giấy tờ pháp lý với số tiền 800.000.000 đồng. Số tiền này được xác định tương ứng bằng bản báo giá dịch vụ làm thủ tục giấy tờ pháp lý của NĐ với các đối tác khác trong cùng loại hạng mục thi công.
9. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 26/2024/KDTM-PT ngày 30/01/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công.
Nội dung sửa án:
Tại phiên tòa cả hai bên đều xác định Bản án sơ thẩm nhận định “hai bên không có tranh chấp gì về các hạng mục công trình đã thi công” đối với công trình SCTV tại Cụm Công nghiệp Quận 2 là không đúng, vì nguyên đơn luôn khẳng định rằng phía GL không hề thi công phần công trình nhôm kính và phía GL thì cho rằng đã thi công xong, nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh và như việc tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định được phân tích tại mục [5], do đó việc Toà án cấp sơ thẩm tuy cho rằng GL không chứng minh được các công việc đã thi công liên quan đến việc đã nhận số tiền của nguyên đơn để bác yêu cầu phản tố của Bị đơn nhưng đồng thời lại không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán lại số tiền 102.817.796 đồng và số tiền lãi phát sinh là số tiền thanh toán cho công trình mà phía bị đơn không chứng minh đã thực hiện theo thỏa thuận với nguyên đơn là không có cơ sở. Do đó việc bị đơn thừa nhận đã nhận số tiền do nguyên đơn chuyển khoản nhưng không cung cấp được các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã thực hiện các hạng mục công việc theo thỏa thuận nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty TNHH GL trả lại số tiền 102.817.796 đồng mà bị đơn đã nhận từ ngày 24/01/2017 và tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 69.916.000 đồng trên số tiền trên là phù hợp với qui định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh của đương sự và qui định tại Điều 306 Luật Thương mại và Điều 6 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP nên có cơ sở để chấp nhận. Do đó chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn tại phiên tòa sửa một phần bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
10. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 805/2018/KDTM-PT ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công.
Nội dung sửa án:
Về tiền lãi do chậm thanh toán: Công ty TH xác nhận đã được chủ đầu tư đã thanh toán số tiền thi công theo Quyết định thanh lý hợp đồng ngày 26/4/2010. Tại Điều 7 của hợp đồng do Công ty TH ký kết với Công ty ĐSL thì thời hạn thanh toán là 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của Công ty ĐSL. Theo hồ sơ quyết toán công trình với chủ đầu tư do Công ty TH lập thì thể hiện Công ty TH đã ký biên bản nghiệm thu bao gồm cả công việc mà Công ty ĐSL đã thực hiện với chủ đầu tư vào ngày 15/5/2009. Phía đại diện cho bị đơn xác nhận vào ngày 22/10/2010 thì Công ty TH có nhận được hồ sơ quyết toán của Công ty ĐSL nhưng không thống nhất khối lượng thi công nên đôi bên chưa ký tên xác nhận. Lẽ ra trong trường hợp này, khi Công ty TH nhận được bản quyết toán của Công ty ĐSL nếu chưa thống nhất thì phải liên hệ với Công ty Song Long để đôi bên đối chiếu nhưng phía Công ty TH không có phản hồi bằng văn bản cho Công ty ĐSL. Do vậy việc chậm thanh toán tiền thi công là lỗi của Công ty TH nên Công ty ĐSL yêu cầu Công ty TH phải thanh toán khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ là phù hợp Điều 306 Luật thương mại năm 2005. Tuy nhiên, phía bị đơn xác nhận hồ sơ quyết toán được nhận vào ngày 22/10/2010 nên đây được xác định là thời gian phát sinh nghĩa vụ thanh toán của Công ty TH nhưng Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tính lãi nợ quá hạn từ tháng 5/2009 là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử sửa lại nội dung này của bản án sơ thẩm. Cụ thể: Theo bảng cập nhật lãi suất tiền gửi tháng 4/2018 của Ngân hàng TMCP Á Châu thì mức lãi suất là 6,70%/năm; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là 6,50%/năm; Ngân hàng TMCP Đông Á là 6,90%/năm. Như vậy, lãi suất trung bình là 7%/năm, lãi suất quá hạn: 10,05%/năm.
Từ ngày 28/10/2010 đến 23/4/2018 ( là ngày xét xử sơ thẩm) là 7 năm 5 tháng 25 ngày. Lãi được tính là : 547.439.007đ x 10,05%/năm x 7 năm 5 tháng 25 ngày = 411.868.017 đồng.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Chấp nhận một phần kháng cáo của Bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm như ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên Tòa. Buộc Công ty TH phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty ĐSL 547.439.007 đồng tiền nợ gốc và 411.868.017 đồng tiền lãi. Tổng cộng là 959.307.024 đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.