TỘI PHÁ HOẠI HÒA BÌNH, GÂY CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC

(Theo Điều 421 Bộ luật Hình sự năm 2015)

1. Giải thích từ ngữ

Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược được hiểu là hành vi tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.

2. Tội danh

Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

1. Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là nền hoà bình ở một khu vực và hoà bình thế giới; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một hay nhiều quốc gia (tuỳ thuộc vào quy mô của cuộc chiến tranh).

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi phạm tội:

  • Phá hoại hòa bình: Bao gồm các hành động hoặc hoạt động nhằm phá vỡ hòa bình và trật tự quốc tế, như can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, tiến hành các hoạt động tình báo, tuyên truyền gây bất ổn, hoặc hỗ trợ các tổ chức khủng bố và phiến quân.
  • Gây chiến tranh xâm lược: Là hành vi khởi động hoặc tham gia vào các cuộc tấn công quân sự nhằm chiếm đoạt lãnh thổ hoặc tài nguyên của quốc gia khác, chẳng hạn như phát động các cuộc chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ, hoặc sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới quốc gia.

Hậu quả: Chiến tranh xâm lược có thể dẫn đến cái chết, thương tích, và tổn thất về tài sản cho cả hai bên tham chiến. Điều này bao gồm các cuộc tấn công vào dân cư, cơ sở hạ tầng và tài sản cá nhân. Phá hoại hòa bình và chiến tranh xâm lược gây ra sự tàn phá lớn về mặt xã hội và kinh tế, như suy giảm chất lượng cuộc sống, mất việc làm, và sự sụp đổ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các hành vi này làm suy giảm mối quan hệ hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia, dẫn đến sự cô lập quốc tế và căng thẳng giữa các quốc gia. Phá hoại hòa bình và gây chiến tranh xâm lược có thể dẫn đến sự bất ổn lâu dài và căng thẳng quốc tế, làm trầm trọng thêm các vấn đề khu vực và toàn cầu.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược do mình thực hiện là nguy hiểm, thấy trước hậu quả của hành vi đó là đe doạ, huỷ hoại hoà bình, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích của tội phạm là chống lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước bị xâm lược. Đây là dấu hiệu bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội phạm.

Do vậy, hành vi tiến hành chiến tranh nhằm chống lại nước đi xâm lược sẽ không phải là tội phạm. Đó là hành vi tự vệ chính đáng của quốc gia bị xâm lược.

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể có thể có thể là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, thường là những người có thẩm quyền trong chiến tranh hoặc trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Trân trọng./.