Bản án dân sự phúc thẩm số 59/2019/DS-PT ngày 22/5/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Nội dung hủy án 

(i) Tòa án nhân dân thành phố B đã đưa vụ án ra xét xử vào ngày 24/01/2019 và tiến hành xét xử theo trình tự pháp luật qui định, do có nhiều tình tiết phức tạp, Hội đồng xét xử thông báo kéo dài thời gian nghị án và tuyên án vào ngày 29/01/2016 là đúng theo qui định tại khoản 4 Điều 264 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vụ án được xét xử trong hai ngày 24 và 29/01/2019 nhưng tại bản án số: 04/2019/DSST ngày 29/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố B lại ghi “Trong các ngày 24, 25, 28, 29” xét xử công khai vụ án là không đúng qui định tại mục (9) Hướng dẫn sử dụng mẫu số 52 Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 01/2017/NQHĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

(ii) Về mặt hình thức: Ngày 05/9/2017, anh H đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố B giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa anh H, Chị H1 và anh Ng, kèm theo đơn khởi kiện là bản phô tô hợp đồng đặt cọc ngày 19/11/2016 giữa anh H, Chị H1 và anh Ng và bản phô tô hợp đồng đặt cọc cùng ngày 19/11/2016 giữa anh H, Chị H1 và ông H3. 02 bản hợp đồng đặt cọc nêu trên đều được lập thành văn bản, không công chứng, chứng thực; có chữ ký của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, hợp đồng giữa anh H và ông H3 có người làm chứng là anh Ng. Đến ngày 08/8/2018 anh H nộp bản gốc hợp đồng đặt cọc ngày 19/11/2016 giữa anh H, Chị H1 và ông H3. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, anh H, Chị H1 khởi kiện yêu cầu anh Ng trả lại 1.100.000.000 đồng tiền đặt cọc và phạt cọc nhưng chỉ cung cấp được bản phô tô hợp đồng đặt cọc giữa anh chị và anh Ng mà không xuất trình được bản gốc hợp đồng đặt cọc nêu trên là không đảm bảo yêu cầu về chứng cứ qui định tại khoản 1 Điều 95, ngoài ra anh H, Chị H1 không xuất trình được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh quan hệ tranh chấp hợp đồng đặt cọc với anh Ng. Như vậy, anh H, Chị H1 chưa đủ điều kiện khởi kiện theo qui định tại điểm a, b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án sơ thẩm nhận đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo là bản phô tô hợp đồng đặt cọc nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố B không ban hành văn bản yêu cầu người khởi kiện giao nộp bổ sung chứng cứ là bản gốc hợp đồng đặt cọc giữa anh H, Chị H1 và anh Ng là vi phạm qui định tại khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.

(iii) Anh H xác định anh Ng đã ký vào hợp đồng đặt cọc giữa anh H, Chị H1 và anh Ng, đồng thời anh Ng trực tiếp nhận số tiền đặt cọc 100.000.000 đồng. Ngày 22/11/2016, sau khi gặp trực tiếp ông H3 và biết được chủ sở hữu hợp pháp nhà đất tại A, đường N, phường K, thành phố B là ông H3; anh H và ông H3 đã thỏa thuận viết một hợp đồng đặt cọc khác trực tiếp giữa anh H và ông H3 thay cho hợp đồng đặt cọc giữa anh H và anh Ng nhưng vẫn đề ngày 19/11/2016 để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất giữa anh H và ông H3. Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông H3 đều thừa nhận ông có ký với anh H hợp đồng đặt cọc và nhận tiền cọc với số tiền 100.000.000 đồng để đảm bảo cho giao dịch mua bán nhà đất của ông tại số: A, đường N, phường K, thành phố B. Ngay sau khi ký hợp đồng đặt cọc, anh H có đưa 100.000.000 đồng tiền cọc và ông có nhờ anh Ng là con rể của ông làm chứng và đếm hộ số tiền cọc trên, sau khi đếm đủ, anh Ng đã đưa lại ngay số tiền cho ông. Phía bị đơn là anh Ng cho rằng anh không ký hợp đồng đặt cọc với anh H, chị H1, chữ ký trong hợp đồng đặt cọc nêu trên bị cắt ghép, người ký hợp đồng đặt cọc và nhận tiền cọc với anh H là ông H3. Phía nguyên đơn là anh H xác định đã đồng ý làm thêm 01 bản hợp đồng chuyển giao với ông H3 để có thể làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, nội dung của hai hợp đồng đặt cọc nêu trên đều là đặt cọc số tiền 100.000.000 đồng; tuy nhiên anh H chỉ đặt cọc tổng cộng 100.000.000 đồng cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số A, đường N, phường K, thành phố B. Như vậy, có đủ căn cứ xác định hợp đồng đặt cọc giữa anh H, Chị H1 ký kết với anh Ng đã được chuyển giao bằng hợp đồng đặt cọc giữa anh H, Chị H1 và ông H3 về nội dung hợp đồng và tài sản đặt cọc; ông H3 là người nhận cọc và đã nhận số tiền đặt cọc 100.000.000 đồng do anh Ng nhận hộ; do đó quyền và lợi ích hợp pháp của anh H, Chị H1 không bị anh Ng xâm phạm. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, anh H không cung cấp thêm được chứng cứ nào khác để chứng minh anh Ng là người ký kết và nhận tiền đặt cọc của anh H. Vì vậy, anh H, Chị H1 không đủ điều kiện khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc với anh Ng theo qui định tại điểm a, b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự. Cần hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho anh H, chị H1. Anh H, Chị H1 có quyền yêu cầu khởi kiện lại đối với anh Ng khi có đủ điều kiện khởi kiện theo qui định hoặc khởi kiện ông Trần Ngọc H3 bằng vụ án khác.

(iv) Sau khi Tòa án sơ thẩm ban hành bản án số: 04/2019/DSST ngày 29/01/2019, đến ngày 31/01/2019 Tòa án đã ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án về số tiền án phí sơ thẩm anh H, Chị H1 phải chịu từ 39.000.000 đồng lên 45.000.000 đồng nhưng không nêu lý do sửa chữa là không đúng qui định tại tại mục (3) Hướng dẫn sử dụng mẫu số 53 Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 01/2017/NQHĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

(v) Tòa án sơ thẩm cũng có sai sót về xử lý giấy chứng minh thư nhân dân, chìa khóa nhà của ông H3, khi thu giữ không lập biên bản thu, ai nộp. Kết thúc vụ án không quyết định xử lý vật này là không đúng qui định.