![Việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện trong trường hợp nào? Người được thi hành án phải chịu những chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự nào?](https://luatnghinhphong.vn/uploads/news/60-1726050853.png)
Việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện trong trường hợp nào? Người được thi hành án phải chịu những chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự nào?
Luật sư cho tôi hỏi:Tòa án đã ra quyết định yêu cầu Công ty Nha Trang phải thanh toán số tiền 500 triệu đồng cho Công ty của tôi. Sau khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã qua mà Công ty Nha Trang vẫn không thực hiện thanh toán, Công ty của tôi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế thi hành án. Nên tôi muốn tìm hiểu việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện trong trường hợp nào? Người được thi hành án phải chịu những chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự nào?
Trả lời:
1. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện trong trường hợp nào?
Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
“Điều 46. Cưỡng chế thi hành án
1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014) như sau:
“Điều 45.Thời hạn tự nguyện thi hành án
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.”
Theo quy định hiện hành, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ được thực hiện khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án và người phải thi hành án có khả năng thực hiện nghĩa vụ nhưng không tự nguyện thực hiện.
Thời hạn tự nguyện thi hành án dân sự là 10 ngày, bắt đầu từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án.
2. Người được thi hành án phải chịu những chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự nào?
Chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014) như sau:
“Điều 73. Chi phí cưỡng chế thi hành án
2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
a) Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.”
Theo quy định, người được thi hành án phải chịu các chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm:
- Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do vi phạm quy định về định giá.
- Toàn bộ hoặc một phần chi phí liên quan đến việc xây ngăn, phá dỡ, nếu bản án hoặc quyết định của Tòa án xác định người được thi hành án phải chịu các chi phí này.
3. Việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện dựa trên những căn cứ nào?
Theo quy định tại Điều 70 Luật thi hành án dân sự 2008 thì việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện dựa trên các căn cứ sau đây:
“Điều 70. Căn cứ cưỡng chế thi hành án
Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:
1. Bản án, quyết định;
2. Quyết định thi hành án;
3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 thì các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm:
“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án
1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”
Vì vậy, việc cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện dựa trên các căn cứ chính như bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án và quyết định cưỡng chế thi hành án. Khi tiến hành cưỡng chế, có thể áp dụng các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi tài sản, kê biên và xử lý tài sản, khai thác tài sản, buộc chuyển giao vật hoặc quyền tài sản, và yêu cầu người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định.
Trân trọng./.