TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

(Theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Giải thích từ ngữ

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; gây thiệt hại về tài sản.

2. Tội danh

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và tính mạng, sức khỏe của người dân; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hóa, biến chất.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Bản thân của hành vi thiếu trách nhiệm đã phản ánh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau, nó tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và tùy vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Dù được biểu hiện như thế nào thì hành vi của người phạm tội cũng là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.

Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản...

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan đến quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm.

Thiếu trách nhiệm là không làm (không làm gì cả, không hành động) hoặc làm không đúng trách nhiệm được giao (có làm nhưng lại làm không đến nơi đến chốn, làm sai với nhiệm vụ được) nên mới gây hậu quả, nếu họ làm đúng trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này, dù hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người và của cơ quan, tổ chức hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của BLHS.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thực hiện hành vi là do vô ý.Việc xác định lỗi vô ý gây hậu quả nghiêm trọng của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.

Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc trong việc cấu thành tội phạm này. Đây là một điểm khác biệt so với một số tội danh khác, trong đó người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội có chủ đích. Do đó, khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", nếu có xác định động cơ phạm tội thì điều này chỉ mang ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt, không ảnh hưởng đến việc định tội.

3.4. Chủ thể của tội phạm

Người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.

Cũng như đối với một số tội phạm về chức vụ, chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, đối với tội phạm này, trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra (hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng). Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với ba trường hợp thiếu trách nhiệm quy định tại các Điều 179, 308 và 376 BLHS.

Trân trọng./.