TỘI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN, LY HÔN HOẶC CẢN TRỞ HÔN NHÂN TỰ NGUYỆN, TIẾN BỘ, CẢN TRỞ LY HÔN TỰ NGUYỆN

(Theo Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015)

1. Giải thích từ ngữ

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện được hiểu là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân và quyền con người trong đời sống xã hội hiện đại. 

2. Tội danh

“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

3. Cấu thành tội phạm

3.1. Khách thể của tội phạm

Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đã xâm phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội trong các trường hợp cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyệnlà người thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ:

+ Đây là hành vi buộc một người phải kết hôn hoặc ly hôn mặc dù họ không có ý định hoặc không muốn thực hiện điều đó.

+ Trường hợp phổ biến nhất là khi người phạm tội có mối quan hệ lệ thuộc với người bị cưỡng ép như: mối quan hệ gia đình, kinh tế, hoặc tình cảm.

Ví dụ: một người cha ép buộc con gái phải lấy một người đàn ông mà cô không yêu hoặc một người vợ bị chồng đe dọa sẽ không chu cấp nếu không đồng ý ly hôn.

+ Tuy nhiên, không phải lúc nào giữa người phạm tội và người bị cưỡng ép cũng có mối quan hệ lệ thuộc. Chẳng hạn, một người hàng xóm có thể dùng vũ lực hoặc đe dọa để buộc một người khác phải ly hôn vì lý do cá nhân, mặc dù giữa họ không có mối quan hệ kinh tế hay tinh thần nào.

- Cản trở người khác kết hôn hoặc ly hôn tự nguyện:

+ Đây là hành vi ngăn cản một người thực hiện quyền tự do kết hôn hoặc ly hôn theo mong muốn của họ, mặc dù họ đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý. Ví dụ: giữ giấy tờ tùy thân của con cái để ngăn cản việc đăng ký kết hôn.

+ Cản trở việc ly hôn cũng có thể xảy ra khi một bên trong hôn nhân dùng thủ đoạn đe dọa hoặc uy hiếp tinh thần để buộc đối phương không được ly hôn. Ví dụ: một người chồng đe dọa sẽ làm hại con cái nếu vợ anh ta quyết định ly hôn.

- Cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ:

+ Hành vi này nhằm mục đích phá hoại hoặc làm gián đoạn mối quan hệ hôn nhân tự nguyện và tiến bộ đang tồn tại. Ví dụ: một người mẹ chồng liên tục gây áp lực cho con dâu, đòi hỏi cô phải ly hôn với con trai mình vì lý do không thích con dâu, mặc dù cặp đôi này có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

+ Hành vi cản trở này có thể không làm tan vỡ hoàn toàn quan hệ hôn nhân, nhưng cũng đủ để gây ra sự căng thẳng, xáo trộn trong cuộc sống vợ chồng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống gia đình.

Điều kiện để cấu thành tội phạm: Đối với các hành vi trên, nếu chưa bị xử phạt hành chính về các hành vi này thì chưa đủ điều kiện để cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật. Việc đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là căn cứ để phân biệt hành vi phạm tội với các hành vi vi phạm hành chính.

Ví dụ: Nếu một người đã từng bị xử phạt hành chính vì cưỡng ép người khác kết hôn mà tiếp tục tái phạm hành vi này thì hành vi của người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu hành vi đó chưa từng bị xử phạt hành chính thì nó chưa đủ cấu thành tội phạm mà chỉ bị xử phạt hành chính.

Những quy định này nhằm bảo vệ quyền tự do hôn nhân của mỗi cá nhân, đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tự do lựa chọn bạn đời và quyết định kết thúc hay tiếp tục hôn nhân mà không bị ép buộc hoặc cản trở.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép hoặc cản trở người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyên, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.  

3.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Trân trọng./.