THỦ TỤC CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THÀNH NGOÀI TÒA ÁN

1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Tòa án có thẩm quyền giải quyết (căn cứ theo Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Nếu hồ sơ yêu cầu không đảm bảo thủ tục quy quy định thì bị trả lại để hoàn thiện, bổ sung theo quy định pháp luật (căn cứ theo Điều 364 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành (căn cứ theo Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 3: Thụ lý đơn yêu cầu.

Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự (căn cứ theo Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 4: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu (căn cứ theo Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công xét đơn có quyền sau đây:

- Yêu cầu bên tham gia hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến về yêu cầu của người có đơn đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành; làm rõ nội dung yêu cầu hoặc bổ sung tài liệu, nếu xét thấy cần thiết;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy cần thiết;

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

Những người tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu, thủ tục tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Điều 367 và Điều 369 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Bước 5: Thẩm phán ra quyết định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Căn cứ theo Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

- Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Quyết định của Tòa án phải có các nội dung quy định tại Điều 370 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Lưu ý:

- Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án;

- Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp;

- Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Cách thức thực hiện

Nộp trực tiếp hồ sơ yêu cầu tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Tòa án có thẩm quyền giải quyết; gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc có thể thực hiện bằng cách gửi trực tuyến  qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) (căn cứ theo khoản 1 Điều 191 và Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

3. Thành phần hồ sơ

Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 2 Điều 362 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bao gồm;

+ Ngày, tháng, năm làm đơn;

+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải;

- Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan (căn cứ theo Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

4. Thời hạn giải quyết

Thông thường thời gian thực hiện từ 01 - 02 tháng nhưng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào điều kiện thực tế giải quyết hồ sơ.

5. Đối tượng thực hiện

Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.

6. Cơ quan thực hiện

Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

7. Kết quả thực hiện

Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

8. Lệ phí

Lệ phí Tòa án: 300.000 đồng.

(Căn cứ theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (Mẫu số 01-VDS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

10. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

- Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.