Người có hành vi ngoại tình có được giành quyền nuôi con không?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi và vợ đang trong quá trình ly hôn do mâu thuẫn không thể hàn gắn. Trong quá trình sống chung, tôi từng có hành vi ngoại tình và điều này đã được bên kia sử dụng làm lý do khởi kiện ly hôn. Hiện tại, cả hai đều mong muốn được giành quyền nuôi con.
Tôi tự nhận thấy mình có khả năng tài chính ổn định, môi trường sống phù hợp để chăm sóc và đảm bảo tương lai cho con. Tuy nhiên, tôi lo ngại hành vi ngoại tình của mình sẽ ảnh hưởng đến quyết định của tòa án về quyền nuôi con. Liệu điều này có phải là yếu tố quyết định trong việc xét quyền nuôi con hay không?
MỤC LỤC
1. Người có hành vi ngoại tình có được giành quyền nuôi con không?
2. Người ngoại tình bị phạt hành chính bao nhiêu?
3. Người ngoại tình có thể bị phạt tù cao nhất bao nhiêu năm?
Trả lời:
1. Người có hành vi ngoại tình có được giành quyền nuôi con không?
Tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:
"Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng
1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác."
Như vậy, ngoại tình có thể hiểu là hành vi không chung thủy trong hôn nhân. Ngoại tình là việc một người đã kết hôn nhưng lại có tình cảm như vợ chồng với người khác không phải là người vợ chồng chính thức của họ.
Tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con."
Theo đó, hiện hành pháp luật chưa có quy định về trường hợp người ngoại tình thì sẽ không được quyền nuôi con. Việc giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn sẽ dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con như: điều kiện vật chất, tinh thần, tình cảm giữa cha/mẹ và con,...
Do đó, việc ngoại tình chỉ là căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn, còn việc có được quyền nuôi con hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Nếu người ngoại tình vẫn có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn người còn lại thì người đó vẫn có thể được quyền nuôi con. Ngược lại, nếu người ngoại tình và không có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt thì người kia có thể được quyền nuôi con.
Lưu ý: Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì còn phải xem xét nguyện vọng của con.
Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì mẹ được trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
2. Người ngoại tình bị phạt hành chính bao nhiêu?
Tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
"Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn."
Như vậy, người vợ có hành vi ngoại tình thuộc trường hợp dưới đây có thể bị phạt hành chính lên đến 5.000.000 đồng
3. Người ngoại tình có thể bị phạt tù cao nhất bao nhiêu năm?
Tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
"Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó."
Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm nếu làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Ngoài ra, người ngoại tình có thể bị phạt tù cao nhất là 3 năm nếu hành vi ngoại tình của họ gây hậu quả như làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Trân trọng./.