
Lưu vực sông là gì? Nguồn nước là gì? Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước được quy định như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi là chủ của một trang trại nuôi cá, tôi cần dẫn nước từ một con sông gần chỗ tôi kinh doanh vào các ao cá để cung cấp nước nhưng tôi lại không biết đó có phải là lưu vực sông không? Tôi muốn hỏi: Thế nào là lưu vực sông? Thế nào là nguồn nước? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về danh mục lưu vực sông và danh mục nguồn nước?
MỤC LỤC
3. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Lưu vực sông là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Tài nguyên nước năm 2023:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Lưu vực sông là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển.”
Có thể hiểu, lưu vực sông không chỉ là phần lòng sông mà còn bao gồm toàn bộ vùng đất có dòng chảy nước mặt và nước dưới đất đổ vào sông một cách tự nhiên và thoát ra tại một cửa chung hoặc ra biển.
Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều lưu vực sông lớn và quan trọng trong nông nghiệp và giao thông vận tải, cụ thể như: Lưu vực sông Hồng – Thái Bình, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, lưu vực sông Mê Kông, lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Ba,...
2. Nguồn nước là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tài nguyên nước năm 2023, nguồn nước được định nghĩa như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra.”
Như vậy, nguồn nước được hiểu là những vùng nước tự nhiên hoặc nhân tạo có khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,... và bảo đảm duy trì cân bằng sinh thái. Theo đó, nguồn nước bao gồm nhiều dạng nước như: Nước dưới đất, nước mưa, nước biển ven bờ, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông,... và các dạng tích tụ khác được hình thành tự nhiên hay do con người tạo ra.
3. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước được quy định như thế nào?
Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước được quy định tại Điều 5 Luật Tài nguyên nước năm 2023 như sau:
“Điều 5. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước
1. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước là căn cứ để thực hiện nội dung quản lý, điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo lưu vực sông, nguồn nước.
2. Danh mục lưu vực sông bao gồm:
a) Danh mục lưu vực sông liên quốc gia;
b) Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
c) Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.
3. Danh mục nguồn nước bao gồm:
a) Danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước mặt liên tỉnh, danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh;
b) Danh mục nguồn nước dưới đất.”
Bên cạnh đó, danh mục nguồn nước dưới đất được quy định cụ thể tại các phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 4355/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành danh mục nguồn nước dưới đất bao gồm:
- Danh mục nguồn nước dưới đất phần đất liền trên toàn quốc;
- Danh mục nguồn nước dưới đất trên các lưu vực liên tỉnh;
- Danh mục nguồn nước dưới đất trên các vùng kinh tế - xã hội;
- Danh mục nguồn nước dưới đất trên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Có thể thấy,việc quy định lập, ban hành và công bố danh mục lưu vực sông và danh mục nguồn nước tại các quy định trên đã góp phần thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lý có hệ thống, toàn diện và khoa học tài nguyên nước.
Các danh mục không chỉ là căn cứ để xác định phạm vi quản lý, phân cấp trách nhiệm giữa các Bộ, Ngành, địa phương mà còn nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động lập quy hoạch, cấp phép, kiểm soát khai thác và sử dụng. Hơn thế nữa, quy định cụ thể về danh mục lưu vực sông và danh mục nguồn nước dưới đất là kết quả của mục tiêu thực hiện có hiệu quả nội dung quản lý, điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, từng lưu vực.
Trân trọng./.