
Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được quy định như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Theo tôi được biết thì trẻ em mẫu giáo được Nhà nước xem là đối tượng thụ hưởng các chính sách đặc biệt, trong đó có chính sách hỗ trợ ăn trưa. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được áp dụng như thế nào? Xin cảm ơn!
MỤC LỤC
2. Quy định về hồ sơ của chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được thực hiện như thế nào?
3. Quy định về trình tự và phương thức thực hiệnchính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo
Trả lời:
1. Quy định về đối tượng được hưởng và nội dung chính sáchhỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non (“Nghị định số 105/2020/NĐ-CP”) quy định như sau:
“Điều 7. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo
1. Đối tượng hưởng chính sách
Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:
a) Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
d) Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).
đ) Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
2. Nội dung chính sách
Trẻ em thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.”
Theo đó, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo là một trong những biện pháp thiết thực nhằm góp phần nâng cao thể chất, bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện cho trẻ em trong độ tuổi mầm non, đặc biệt là những em thuộc nhóm đối tượng yếu thế, khó khăn về kinh tế - xã hội.
Cụ thể, đối tượng được thụ hưởng chính sách này bao gồm trẻ em mẫu giáo đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và thuộc một trong các diện có hộ khẩu tại vùng đặc biệt khó khăn; không có nguồn nuôi dưỡng hợp pháp; thuộc hộ nghèo, cận nghèo; là con của người có công với cách mạng; hoặc là trẻ khuyết tật học hòa nhập. Đây đều là những nhóm dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ tiếp cận bình đẳng với các điều kiện học tập và chăm sóc cơ bản.
Về nội dung hỗ trợ, các trẻ em thuộc diện nêu trên sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, tối đa không quá 9 tháng/năm học, tương ứng với thời gian học thực tế tại cơ sở giáo dục. Cách quy định này không chỉ bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong thực hiện chính sách, mà còn thể hiện rõ quan điểm nhân văn, lấy trẻ em làm trung tâm trong việc xây dựng và thực thi chính sách giáo dục mầm non.
Như vậy, quy định này vừa có tính pháp lý rõ ràng, vừa có giá trị xã hội sâu sắc, đồng thời góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển toàn diện trẻ em ngay từ bậc học đầu đời, phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về quyền trẻ em.
2. Quy định về hồ sơ của chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công quy định như sau:
“Điều 7. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo
…
3. Hồ sơ
a) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này cung cấp thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
Nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
b) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này nộp một trong số các loại giấy tờ sau:
- Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở bảo trợ xã hội về tình trạng trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc trẻ thuộc các trường hợp khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
- Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận nuôi con nuôi đối với trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc trẻ em thuộc các trường hợp khác quy định khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này nộp bản sao và mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận hoặc Giấy xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.
d) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này nộp bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng người có công quy định tại điểm d khoản 1 Điều này và Giấy khai sinh của trẻ em.
đ) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này nộp bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.”
Qua quy định vừa nêu, có thể thấy hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được quy định một cách rõ ràng, chi tiết, bảo đảm tính đầy đủ, minh bạch và phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể quy quy định pháp luật.
Cụ thể, để được hưởng chính sách, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cần chuẩn bị và nộp các loại giấy tờ phù hợp với từng diện đối tượng thụ hưởng. Việc quy định hồ sơ theo hướng phân loại cụ thể theo từng đối tượng thụ hưởng vừa giúp giảm thiểu tình trạng nhầm lẫn, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan quản lý trong việc xét duyệt, đồng thời đảm bảo tính công bằng, khách quan và đúng đối tượng trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ ăn trưa.
Quy định này cũng thể hiện tính pháp lý chặt chẽ, khoa học và hợp lý trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội dành cho trẻ mẫu giáo, góp phần thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, bảo đảm quyền lợi thiết yếu của trẻ em theo đúng tinh thần của pháp luật về giáo dục và bảo trợ xã hội hiện hành.
3. Quy định về trình tự và phương thức thực hiệnchính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo
Căn cứ theo khoản 4 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo
…
4. Trình tự và thời gian thực hiện
Tháng 8 hằng năm, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa;
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở giáo dục mầm non thông báo, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này tại cơ sở giáo dục mầm non. Mỗi đối tượng nộp 01 bộ hồ sơ cho 01 lần đầu đề nghị hỗ trợ trong cả thời gian học tại cơ sở giáo dục mầm non. Riêng đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, nộp bổ sung Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng năm học;
Cơ sở giáo dục mầm non tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu thành phần hồ sơ nộp là bản sao chưa có chứng thực của cấp có thẩm quyền, người nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu với bản chính, ký xác nhận vào bản sao để đưa vào hồ sơ, yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ sở giáo dục mầm non gửi giấy tiếp nhận hồ sơ cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em. Trường hợp hồ sơ gửi qua bưu điện hoặc trực tuyến không bảo đảm yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc cơ sở giáo dục mầm non gửi thông báo không tiếp nhận hồ sơ và lý do cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ, cơ sở giáo dục mầm non lập danh sách trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa (Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này) kèm theo hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này gửi về phòng giáo dục và đào tạo đang quản lý trực tiếp để xem xét, tổng hợp;
Trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục mầm non, phòng giáo dục và đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa (Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này) gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
Trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ của phòng giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa và thông báo kết quả cho cơ sở giáo dục mầm non;
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa, cơ sở giáo dục mầm non thông báo công khai và tổ chức triển khai thực hiện chi hỗ trợ.
5. Phương thức thực hiện
a) Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.
b) Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa của nhà trường, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
- Phương thức 1: Cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nấu ăn cho trẻ em);
- Phương thức 2: Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
Cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và thực hiện việc chi trả. Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để quyết định một trong hai phương thức nêu trên.
c) Trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em chưa nhận được kinh phí hỗ trợ ăn trưa theo thời hạn quy định tại điểm a khoản 5 Điều này thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
d) Trường hợp trẻ em chuyển trường, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm trả lại hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định chuyển kinh phí hoặc cấp bổ sung kinh phí để cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến thực hiện chi trả hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
đ) Trường hợp trẻ em thôi học, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.”
Quy định về trình tự và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trên thực tế. Cụ thể, quy trình được bắt đầu từ tháng 8 hằng năm, với việc các cơ sở giáo dục mầm non chủ động thông báo, hướng dẫn phụ huynh nộp hồ sơ, sau đó là các bước kiểm tra hồ sơ, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt và triển khai chính sách hỗ trợ từ cấp cơ sở đến cấp huyện.
Về phương thức thực hiện, hai lựa chọn linh hoạt là:
- Cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nấu ăn cho trẻ em);
- Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, các trường hợp đặc biệt như trẻ chuyển trường, thôi học hay chưa nhận hỗ trợ đều được quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi liên tục và hợp pháp cho trẻ em.
Tổng thể, nội dung quy định không chỉ thể hiện tính pháp lý rõ ràng và nhân văn mà còn khẳng định vai trò điều tiết, kiểm soát của Nhà nước trong thực hiện chính sách phúc lợi giáo dục, góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận dinh dưỡng cho trẻ em mầm non, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trân trọng./.