Hoạt động thống kê là gì? Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì? Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

Hoạt động thống kê là gì? Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì? Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

Hoạt động thống kê là gì? Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì? Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

Luật sư cho tôi hỏi: Trường chúng tôi đang thực hiện hoạt động thống kê chất lượng giảng dạy của giáo viên trường. Tuy nhiên, tôi chưa biết các quy định liên quan đến hoạt động thống kê đối với hiện tượng nghiên cứu nêu trên là gì và trong quá trình thống kê cần lưu ý những điều gì. Vậy, cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động thống kê là gì? Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì? Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

MỤC LỤC

1. Hoạt động thống kê là gì?

2. Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì?

3. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào?

4. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

 

Trả lời:

1. Hoạt động thống kê là gì?  

Hoạt động thống kê được định nghĩa tại khoản 11 Điều 3 Luật Thống kê 2015 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

11. Hoạt động thống kê là hoạt động xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể.”

Như vậy, hoạt động thống kê là hoạt động hướng tới làm rõ bản chất, quy luật của các hiện tượng nghiên cứu và bao gồm các hoạt động sau:

- Xác định nhu cầu thông tin cần thu thập;

- Xác định nhu cầu thông tin chuẩn bị thu thập;

- Thu thập;

- Xử lý và tổng hợp;

- Phân tích và dự báo;

- Công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê.

Đồng thời, hoạt động thống kê phải thực hiện trong điều kiện không gian cụ thể, thời gian cụ thể nhằm xác định rõ phạm vi thực hiện thống kê, tránh hiện tượng dàn trải hoặc kết quả thống kê không làm rõ hiện tượng nghiên cứu đã được đề ra.

2. Mục đích của hoạt động thống kê để làm gì?

Mục đích của hoạt động thống kê được thể hiện tại Điều 4 Luật Thống kê 2015 như sau:

“Điều 4. Mục đích của hoạt động thống kê

1. Hoạt động thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ các mục đích sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội;

b) Đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

c) Đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng khác.”

Theo đó, hoạt động thống kê có mục đích khác nhau tuỳ thuộc loại hoạt động thống kê là gì. Cụ thể:

- Hoạt động thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê cho chiến lược, kế hoạch, quy hoạch chính sách đáp ứng các yêu cầu hoạch định, xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đối tượng trên và đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê cho tổ chức, cá nhân đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng khác của các chủ thể đó.

Như vậy, khi tiến hành hoạt động thống kê, một chủ thể nhất định phải xác định cụ thể, chính xác mục đích của hoạt động thống kê của mình để đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời và có các dữ liệu thông tin thống kê phù hợp.

3. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào?

Điều 5 Luật Thống kê 2015 đề ra nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê như sau:

“Điều 5. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê

1. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước gồm:

a) Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời;

b) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê;

c) Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo;

d) Công khai, minh bạch;

đ) Có tính so sánh.

2. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

a) Các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm;

c) Không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê gồm:

a) Trích dẫn nguồn dữ liệu, thông tin thống kê khi sử dụng;

b) Bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được công bố;

c) Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê theo quy định của pháp luật.”

Tương tự như mục đích của hoạt động thống kê, nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê được quy định khác nhau tuỳ thuộc loại hoạt động thống kê, cụ thể:

- Đối với hoạt động thống kê nhà nước cần đảm bảo nguyên tắc cơ bản tại khoản 1 Điều 5 Luật Thống kê 2015 nêu trên.

- Đối với hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước có các nguyên tắc riêng biệt mang tính quan trọng mà chủ thể tiến hành phải lưu ý như sau: cần đảm bảo tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và không được xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, dù là loại hoạt động thống kê nào, liên quan đến sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về: trích dẫn nguồn, bảo mật và tính bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê.

Như vậy, tuân thủ và luôn thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê theo các nguyên tắc cơ bản nêu trên sẽ là nền tảng để kết quả thống kê hợp pháp và đồng thời đảm bảo tính hợp lý, hài hoà lợi ích, đảm bảo an ninh – quốc phòng, trật tự xã hội.

4. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê?

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê được quy định tại Điều 10 Luật Thống kê 2015:

“Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê

1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

b) Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;

c) Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;

d) Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;

đ) Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;

e) Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

g) Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

a) Các hành vi quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều này;

b) Thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo đó, trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê của nhà nước với tính chất toàn diện, quan trọng liên quan đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội thì các hành vi bị nghiêm cấm được quy định ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin; khai man, làm sai lệch dữ liệu đến báo cáo, công bố, phổ biến thông tin không chính xác; ra quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định… Đây là những hành vi có thể dẫn tới những sai lệch nghiêm trọng và khó khắc phục trong hoạt động thống kê. 

Đối với hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước, các hành vi bị nghiêm cấm có phần giới hạn hơn nhưng vẫn rất cần được lưu ý bởi chủ thể tiến hành, bao gồm các hành vi:

- Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;

- Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;

- Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;

- Thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ quy định trên, các chủ thể tham gia vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê cần lưu ý và phòng tránh vi phạm nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật và đảm bảo kết quả thống kê là hợp pháp.

Trân trọng./.

Góp ý