Quyết định giám đốc thẩm số 22/2022/HNGĐ-GĐT ngày 28/9/2022 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án hôn nhân và gia đình về “Xin ly hôn”
Nội dung hủy án:
1. Về việc bỏ lọt người tham gia tố tụng: … trước khi Tòa án nhân dân huyện B ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thửa đất số 167 đã được ông Thế, bà Ngà cùng các con chuyển nhượng cho bà Đỗ Thị Hiếu. Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Đỗ Thị Hiếu là người nhận chuyển nhượng cũng như các con ông Thế, bà Ngà vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ lọt người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Thế kháng cáo không đồng ý Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Biên bản phiên tòa phúc thẩm thể hiện ông Thế trình bày đã bán đất nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Thế, tiếp tục duy trì các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng quy định của pháp luật.
2.Việc thu thập chứng cứ và chứng minh: Ông Thế được UBND cấp đứng tên 02 quyền sử dụng đất trong năm 2015, trong thời kỳ chung sống với bà Ngà nhưng chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng nên chưa có cơ sở xác định quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung hợp nhất. Ông Thế trình bày nguồn gốc 01 quyền sử dụng đất do ông khai phá trước khi lấy bà Ngà, còn 01 quyền sử dụng đất do cha của ông là Đỗ Đình Tuấn mua giao cho ông là con trưởng đứng tên làm nhà từ đường. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không thu thập 02 hồ sơ cấp quyền sử dụng đất để xem xét nguồn gốc đất ông Thế được cấp như thế nào, có thuộc trường hợp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung theo phần của bà Ngà và ông Thế hay không? Lý do nào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (được công chứng tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Thanh Loan ngày 17/4/2020) lại thể hiện bên chuyển nhượng là các thành viên hộ gia đình gồm: ông Đỗ Đình T, bà Nguyễn Thị Ngọc N và các con là anh, chị Đỗ Thị Thu Diệu, Đỗ Thị Thúy Hiền và Đỗ Trọng Ngôi là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Tại khoản 1 Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.” Tại khoản 2 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.” Xét thấy trong lời khai của ông Thế, bà Ngà và ông Huynh, bà Ngân có nhiều mâu thuẫn trong việc xác định ông Thế có ký hay không ký vào các giấy nợ số tiền 6.500.000.000.000 đồng cũng như khoản nợ của bà Tâm ông Thế có biết như trình bày của bà Tâm. Mặc dù ông Thế không yêu cầu giám định chữ ký, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành cho đối chất giữa các đương sự với nhau cũng như không quyết định trưng cầu giám định chữ ký của ông Thế là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
4. Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định nào xác định việc vợ hoặc chồng cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thế không thừa nhận có biết khoản nợ của bà Tâm; không biết và không ký vào các giấy tờ nợ ông Huynh, bà Ngân. Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện ông Thế biết việc bà Ngà vay tiền của các chủ nợ là bà Tâm, ông Huynh và bà Ngân, đồng thời không có căn cứ xác định bà Ngà vay tiền để nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình theo quy định tại Điều 27; khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Các chủ nợ cho rằng ông Thế biết việc bà Ngà vay tiền thì phải có trách nhiệm chứng minh ông Thế biết và đồng tình để bà Ngà vay tiền. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định đây là khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên buộc ông Thế cùng bà Ngà có trách nhiệm liên đới trả nợ cho các chủ nợ là bà Tâm, ông Huynh và bà Ngân là không đúng quy định của pháp luật.