Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2023/KDTM-PT ngày 06/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Nội dung sửa án:

(i) Vào ngày 31/12/2020, Công ty A (gọi tắt là công ty BMPower) và Tổng công ty điện lực miền nam (gọi tắt là tổng công ty điện lực) ký hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà số 1721380 với nội dung công ty BMPower bán điện năng được sản xuất từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho tổng công ty điện lực miền nam có công suất lắp đặt là 930 Kwp, thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 31/12/2020 đến ngày 31/12/2040, hợp đồng bằng văn bản. Thực hiện hợp đồng công ty BMPower đã lắp đặt thực tế 930Kwp; do công ty BMPower đầu tư xây dựng và vận hành tại ấp Đông Hưng 3, xã Đông Thành, thị xã BM, phía tổng công ty điện lực cũng thừa nhận nên không cần phải chứng minh theo quy định tại điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

(ii) Xét quá trình thực hiện hợp đồng công ty BMPower đã cung cấp công suất thực tế là 930 Kwp (số lượng cao hơn so với biên bản nghiệm thu là 400 kwp), phía tổng công ty điện lực cũng không có ý kiến gì và công ty điện lực đã trả tiền điện cho công ty BMPower theo công suất thực tế 930 kwp từ ngày ký kết hợp đồng đến tháng 5/2021 mặc dù biết rõ công suất phát ra là trên sản lượng 930 kwp, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện công ty điện lực BMthừa nhận sản lượng điện năng thực tế từ điện mặt trời phát lên lưới qua điện lực của công ty BMPower có công suất 930 kwp, đồng thời theo hợp đồng ký kết giữa công ty BMPower và tổng công ty điện lực thể hiện “cùng nhau thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện để mua điện năng lượng được sản xuất từ hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt là 930 kwp”, việc công ty BMPower cung cấp lượng điện năng đúng theo hợp đồng và hai bên ký kết hợp đồng là tự nguyện và phù hợp công suất lắp đặt theo hợp đồng mà các bên đã ký kết ngày 31/12/2020 và thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/12/2040, nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng là có căn cứ theo Quyết định số 13/QĐ-TTg và Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, phù hợp với nội dung hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Xét lời trình bày của luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn và đại diện công ty BMPower yêu cầu công ty điện lực trả số tiền vượt so với cấp sơ thẩm giải quyết là 1.502.129.922 đồng là chưa có căn cứ, số tiền này cấp sơ thẩm chưa giải quyết nên cấp phúc thẩm không xem xét.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là không có căn cứ, bởi lẽ cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết tranh chấp giữa công ty BMPower và tổng công ty điện lực là phù hợp theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự và thông tư số 27 ngày 31/10/2013 của Bộ công thương, Thông tư số 31 ngày 05/10/2018 của Bộ công thương quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 27 ngày 31/10/2013 của Bộ công thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn và bị đơn trình bày khi hai bên không thống nhất nội dung thì có nhờ Sở công thương giải quyết, mặc dù hợp đồng các bên thỏa thuận có thể gởi đơn đến đại diện cấp trên của bên mua hoặc Bộ công thương để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên khi phát sinh tranh chấp các bên đều thừa nhận thỏa thuận thủ tục tố tụng dân sự tranh chấp tại tòa án để giải quyết tranh chấp và không chọn Bộ công thương và trọng tại thương mại để giải quyết trong trường hợp này nên cấp sơ thẩm giải quyết theo tố tụng dân sự là phù hợp pháp luật đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn, bị đơn, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo trình tự tố tụng dân sự.

Từ những phân tích trên chấp nhận yêu cầu của kháng cáo của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm.