Nội dung sửa án:
(i) Về chứng thư giám định xây dựng: Xét thấy chứng thư giám định xây dựng không ghi nhận được tiến độ, khối lượng công việc cần thi công của từng giai đoạn theo thỏa thuận của các bên, việc thẩm định giá trị khối lượng công việc đã thi công không giúp đánh giá được khối lượng công việc theo thỏa thuận của từng giai đoạn, việc thẩm định cũng không ghi nhận toàn bộ các chi phí nguyên vật liệu sử dụng tại công trình (bao gồm cả phần còn dôi dư tại công trình theo biên bản thẩm định tại chỗ và các chi phí khác như phần điện, nước đã thi công dang dở...). Do đó, căn cứ vào kết quả thẩm định giá trị đã thi công tại công trình để buộc bị đơn thanh toán phần giá trị ứng trước chưa được thi công như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là không phù hợp.
(ii) Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn không xác định được thời điểm nguyên đơn đã lấy lại mặt bằng để chấm dứt sự thi công của bị đơn tại công trình; Người đại diện hợp pháp của bị đơn cũng như ông Dương M khẳng định tại BL.146 là công nhân của công ty T bị yêu cầu ra khỏi công trình vào ngày 16/08/2018. Vậy, từ ngày ký hợp đồng và bắt đầu thực hiện thi công hoàn thiện công trình là 28/09/2017, thời hạn thực hiện là 90 ngày, cộng 90 ngày gia hạn do các lý do bị đơn nại ra, vậy thời hạn hoàn thành công trình phải là khoảng 06 tháng – khoảng 28/03/2018 là hoàn thành. Nhưng khi bị yêu cầu ra khỏi công trình là ngày 16/08/2018, công trình vẫn còn dang dở và khối lượng công trình đạt được rất ít so với bản dự toán công trình do chính ông Dương M nộp Tòa án ngày 03/07/2019 (BL.131-139). Bản dự toán này thay vì được lập trước khi ký kết hợp đồng và được giao cho chủ đầu tư là nguyên đơn, nhưng ông Dương M đã lập dự toán không có chữ ký xác nhận của nguyên đơn và chỉ giao nộp cho Tòa án vào ngày 03/07/2019.
Vậy, bị đơn đã liên tiếp vi phạm các quy định của luật pháp về xây dựng và cũng như thỏa thuận của hợp đồng khi không bàn giao bản dự toán công trình cho chủ đầu tư khi ký hợp đồng xây dựng, không lập hồ sơ thanh toán từng giai đoạn với chủ đầu tư để minh bạch kết quả thi công xây dựng, quá trình thi công kéo dài gây nhiều thiệt hại cho chủ đầu tư, đây là các lỗi vi phạm nghiêm trọng nên chủ đầu tư đã đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng với nhà thầu - bị đơn - là đúng quy định theo Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Xây dựng năm 2003 và Khoản 1 Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005. Điều này cũng phù hợp quy định của Khoản 1 Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về việc bị đơn hoàn trả lại phần tiền ứng trước chưa được đưa vào thi công là có căn cứ, tuy nhiên việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn hoàn trả lại phần tiền chưa thi công dựa trên kết quả chưng thư giám định xây dựng là chưa phù hợp, cần điều chỉnh lại.
(iii) Về phía bị đơn cho rằng nguyên đơn đã vi phạm điều khoản thanh toán do thanh toán không đủ số tiền của giai đoạn 2, theo quy định tại Điều V của Hợp đồng, bị đơn được hưởng thời hạn gia hạn bàn giao công trình vì bất kỳ các lý do được liệt kê, trong đó có lý do bên A chậm thanh toán cho bên B theo điều khoản III tại Hợp đồng. Từ đó, bị đơn có yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn thanh toán số tiền còn thiếu của giai đoạn 2 và lãi do chậm thanh toán.
Theo quy định tại Điểm c và d Khoản 1 Điều 76 Luật Xây dựng năm 2003, nhà thầu được quyền “c) Yêu cầu thanh toán giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành theo đúng hợp đồng; d) Dừng thi công xây dựng công trình nếu bên giao thầu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết gây trở ngại và thiệt hại cho nhà thầu;”, tuy nhiên, do bị đơn không thực hiện lập hồ sơ thanh toán từng giai đoạn với chủ đầu tư theo nghĩa vụ của mình nên không có căn cứ cho rằng chủ đầu tư là nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với mình, vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán để chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn là không phù hợp, cần sửa lại án sơ thẩm.
(iv) Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm để điều chỉnh lại nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước của bị đơn do không thực hiện thi công như sau:
- Bị đơn có nghĩa vụ hoàn trả lại 300.000.000 đồng tiền nguyên đơn đã ứng trước cho giai đoạn thi công thứ hai nhưng bị đơn không thực hiện.
- Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn trong việc không tính tiền lãi phạt trên số tiền ứng trước 300.000.000 đồng.
- Đối với kết quả giám định xây dựng, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ được thực hiện theo yêu cầu của ngyên đơn nhằm thu thập chứng cứ chứng minh cho vụ án, tuy nhiên kết quả của chứng thư cũng như biên bản thẩm định tại chỗ không được sử dụng trong việc giải quyết vụ án nên các chi phí tố tụng này do nguyên đơn chịu.
- Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng thiếu sót trong phần quyết định không tuyên rõ các quyết định giải quyết của Tòa án đối với phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đã rút dù đã được xem xét giải quyết tại phần nhận định nên cần khắc phục thiếu sót này.
Do sửa án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm được tính lại như sau:
Bị đơn chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 300.000.000 đồng x 5% = 15.000.000 đồng.
Nguyên đơn chịu án phí 5% trên số tiền yêu cầu nhưng không được chấp nhận là 520.332.000 đồng - 300.000.000 đồng = 220.332.000 đồng nhưng được miễn án phí do là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Nguyên đơn được nhận lại tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.