Tòa án quân sự là cơ quan nào? Việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức theo nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp được quy định như thế nào?

Tòa án quân sự là cơ quan nào? Việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức theo nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp được quy định như thế nào?

Tòa án quân sự là cơ quan nào? Việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức theo nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp được quy định như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang làm công tác tổ chức cán bộ trong một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, trong quá trình rà soát, xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, tôi thấy có sự tồn tại của các Tòa án quân sự trong hệ thống Tòa án nhân dân nhưng chưa hiểu rõ vị trí pháp lý của các cơ quan này là gì. Đồng thời, tôi cũng cần biết việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức thì được thực hiện theo những nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp như thế nào để đảm bảo đúng quy định. Mong được luật sư giải đáp.

MỤC LỤC

1. Tòa án quân sự là cơ quan nào?

2. Việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức theo nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp được quy định như thế nào?

 

Trả lời:

1. Tòa án quân sự là cơ quan nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi 2025 như sau:

Điều 4. Tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân

1. Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:

a) Tòa án nhân dân tối cao;

b) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);

c) Tòa án nhân dân khu vực;

d) Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Tòa án chuyên biệt);

đ) Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).

Căn cứ Điều 64 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định như sau:

Điều 64. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự

Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũvà vụ ánkhác theo quy định của luật.

Như vậy, Toà án quân sự là một trong những toà án thuộc hệ thống tổ chức Toà án nhân dân tại Việt Nam, được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và vụ án khác theo quy định của luật.

2. Việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức theo nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp được quy định như thế nào?

* Về nguyên tắc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự

Điều 3 Nghị quyết số 56/2024/UBTVQH15 quy định về nguyên tắc phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự cụ thể bao gồm các nguyên tắc sau:

- Bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

- Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.

Nguyên tắc được đặt ra nhằm bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả và đúng thẩm quyền trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án quân sự. Cụ thể, việc phối hợp phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mỗi bên theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đồng thời phải được thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, chặt chẽ và có sự hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Những nguyên tắc này góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng hoạt động của Tòa án quân sự, đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng.

* Về hình thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự

Hình thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 56/2024/UBTVQH15 như sau:

Điều 4. Hình thức phối hợp

1. Ban hành văn bản liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu.

3. Trao đổi ý kiến, tổ chức cuộc họp hoặc làm việc trực tiếp.

4. Thông báo bằng văn bản.

5. Kiểm tra công tác tổ chức cán bộ của Tòa án quân sự các cấp.

Hình thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự được quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 56/2024/UBTVQH15 với nhiều phương thức linh hoạt và thực tiễn. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để định hướng phối hợp lâu dài, hai cơ quan còn thực hiện việc trao đổi thông tin, tài liệu, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, thông báo bằng văn bản và tiến hành kiểm tra công tác tổ chức cán bộ tại các Tòa án quân sự các cấp. Những hình thức này vừa bảo đảm tính chính thức trong phối hợp, vừa tạo điều kiện để xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và giữ vững tính đặc thù, kỷ luật của hệ thống Tòa án quân sự trong lực lượng vũ trang.

* Về nội dung phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự

Nội dung phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự được quy định cụ thể hóa tại Điều 5, 6 và 7 Nghị quyết số 56/2024/UBTVQH15 như sau:

- Thứ nhất, phối hợp trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của các Tòa án quân sự gồm các nội dung:

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trao đổi, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước khi:

  • Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án quân sự trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
  • Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng là Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia;
  • Trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án Tòa án quân sự trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án quân sự;
  • Quyết định đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng là Ủy viên Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân.

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước khi:

  • Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực và quy định về phạm vi thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án quân sự;
  • Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân tại mỗi cấp Tòa án quân sự;
  • Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các Tòa án quân sự;
  • Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự khu vực;
  • Quy định biên chế và quyết định phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án quân sự.

- Thứ hai, phối hợp trong công tác điều động, luân chuyển Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự; quy định trang phục nghiệp vụ và dự toán kinh phí hoạt động của các Tòa án quân sự bao gồm:

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước khi:

  • Điều động, luân chuyển Thẩm phán Tòa án nhân dân từ Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ tại Tòa án quân sự khác;
  • Quy định trang phục nghiệp vụ của Thẩm phán Tòa án nhân dân, Hội thẩm quân nhân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thuộc Tòa án quân sự.

+ Bộ Quốc phòng phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí hoạt động của Tòa án quân sự và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

- Khi cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trao đổi, phối hợp về các nội dung khác trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý