
Tòa án nhân dân là cơ quan nào? Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với cơ quan, tổ chức và chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận được quy định như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang tìm hiểu để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt pháp luật tại địa phương, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án. Tôi muốn biết rõ Tòa án nhân dân là cơ quan nào trong bộ máy nhà nước, đồng thời pháp luật hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như cơ chế để Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024?
MỤC LỤC
1. Tòa án nhân dân là cơ quan nào?
2. Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với cơ quan, tổ chức được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Tòa án nhân dân là cơ quan nào?
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Quy định này khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, là thiết chế có vai trò bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân thông qua hoạt động xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thể hiện nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với cơ quan, tổ chức được quy định như thế nào?
Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024như sau:
“Điều 19. Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với cơ quan, tổ chức
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, yêu cầu của Tòa án, cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị, yêu cầu phải thông báo cho Tòa án về kết quả giải quyết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Cơ quan, tổ chức, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm phối hợp để Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; thi hành bản án, quyết định của Tòa án.”
Theo đó, có thể thấy trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan, tổ chức được xác lập trên nguyên tắc phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp. Tòa án có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời có quyền kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi vi phạm. Các cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm phản hồi trong thời hạn 30 ngày. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức cũng phải phối hợp để Tòa án thực hiện nhiệm vụ và thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Quy định này góp phần tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tòa án với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị – pháp luật, bảo đảm cho hoạt động của Tòa án diễn ra hiệu quả và đồng bộ.
3. Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận được quy định như thế nào?
Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về việc Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như sau:
“Điều 21. Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
1. Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật.
2.Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của luật.Việcgiám sát hoạt động của Tòa án để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thườngcủa Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc củaThẩm phán, Hội thẩm.”
Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định rõ cơ chế giám sát đối với hoạt động của Tòa án, thể hiện nguyên tắc bảo đảm Tòa án hoạt động công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát quyền lực trong khuôn khổ pháp luật. Theo đó, Nhân dân có quyền giám sát và thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị với Tòa án. Đồng thời, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận được giao quyền giám sát hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực tư pháp. Việc giám sát này phải bảo đảm không cản trở hoạt động bình thường của Tòa án, đặc biệt là hoạt động xét xử. Quy định trên là cơ sở quan trọng nhằm cân bằng giữa nguyên tắc độc lập xét xử và yêu cầu trách nhiệm giải trình của Tòa án trong một nhà nước pháp quyền.
Trân trọng./.