
Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được thực hiện như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi và một số đồng nghiệp có nhiều bức xúc về điều kiện làm việc và muốn công ty tổ chức buổi đối thoại để trao đổi thẳng thắn. Vậy trong trường hợp này, nếu người lao động như tôi yêu cầu đối thoại thì việc tổ chức được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật?
MỤC LỤC
1. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc là gì?
2. Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“Điều 63. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
1. Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
…”
Như vậy đối thoại tại nơi làm việc là chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
2. Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 40 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 40. Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên
1. Việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được tiến hành khi nội dung yêu cầu đối thoại của bên đề nghị đối thoại bảo đảm các điều kiện sau:
a) Đối với bên người sử dụng lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
b) Đối với bên người lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện của bên người lao động tham gia đối thoại quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này.
2. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được nội dung yêu cầu đối thoại quy định tại khoản 1 Điều này, bên nhận được yêu cầu đối thoại phải có văn bản trả lời, thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động và đại diện đối thoại bên người lao động có trách nhiệm phối hợp, tiến hành tổ chức đối thoại.
3. Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này.
4. Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.”
Dẫn chiếu theo khoản 3 Điều 38 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 38. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại
Số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
…
3. Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc. Trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ, xác định thành viên tham gia đối thoại, nếu có thành viên đại diện không thể tiếp tục tham gia thì người sử dụng lao động hoặc từng tổ chức đại diện người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành viên thay thế của tổ chức, nhóm mình và công bố công khai tại nơi làm việc.
…”
“Điều 39. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
…
4. Đối thoại định kỳ chỉ được tiến hành khi bên người sử dụng lao động có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và bên người lao động có sự tham gia của trên 70% tổng số thành viên đại diện quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này. Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có).
…”
Như vậy, việc đối thoại này được thực hiện khi có yêu cầu hợp lệ từ một trong hai bên, với điều kiện: Nếu là phía người sử dụng lao động đề nghị, nội dung yêu cầu đối thoại phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật; nếu là phía người lao động đề nghị, nội dung yêu cầu phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện của bên người lao động tham gia đối thoại.
Sau khi nhận được yêu cầu, bên nhận yêu cầu phải có văn bản trả lời và thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc. Quá trình đối thoại phải có sự phối hợp giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động, được ghi lại bằng biên bản có chữ ký xác nhận của các bên theo đúng quy định. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động phải công bố công khai nội dung chính tại nơi làm việc; đồng thời, đại diện người lao động cũng có trách nhiệm phổ biến đến người lao động là thành viên.
Trong trường hợp trên, theo Điều 40 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động như bạn có quyền yêu cầu tổ chức đối thoại khi có vấn đề cần được trao đổi với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để yêu cầu đó hợp lệ, nội dung yêu cầu phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện người lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc.
Sau khi nhận được yêu cầu, bên nhận (thường là người sử dụng lao động) phải có văn bản phản hồi và thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc. Buổi đối thoại sau đó sẽ được tổ chức với đầy đủ đại diện của hai bên và phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của đại diện các bên.
Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi kết thúc buổi đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai nội dung chính của đối thoại tại nơi làm việc. Nếu có tổ chức đại diện người lao động hoặc nhóm đại diện đối thoại, họ cũng phải phổ biến nội dung này đến người lao động là thành viên.
Trân trọng./.