Phí là gì? Lệ phí là gì? Chính sách về phí, lệ phí tại Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?

Phí là gì? Lệ phí là gì? Chính sách về phí, lệ phí tại Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?

Phí là gì? Lệ phí là gì? Chính sách về phí, lệ phí tại Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Phí và lệ phí là những khoản thu nào trong hệ thống tài chính công hiện nay? Trong bối cảnh thiết lập và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, chính sách về phí, lệ phí được quy định và tổ chức thực hiện ra sao nhằm đảm bảo tính đặc thù, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển hệ thống hạ tầng của tổ chức này?

MỤC LỤC

1. Phí là gì? Lệ phí là gì?

2. Chính sách về phí, lệ phí tại Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?

 

Trả lời:

1. Phí là gì? Lệ phí là gì?

Căn cứ theo Điều 3 Luật Phí và lệ phí năm 2015 quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.

2. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.”

Theo đó, phí và lệ phí đều là các khoản thu bằng tiền do tổ chức, cá nhân phải nộp khi sử dụng dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức được nhà nước giao thực hiện, song bản chất pháp lý và mục đích của hai khoản thu này có sự phân biệt rõ ràng.

Phí là khoản thu mang tính bù đắp chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ công, thường gắn liền với yếu tố phục vụ, không mang tính bắt buộc phổ quát và có thể được tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng (ví dụ: Phí tham quan bảo tàng, phí vệ sinh,…). Phí thường có cơ chế giá linh hoạt, gắn với mức độ sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, lệ phí là khoản thu có tính ấn định bắt buộc khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính công, thường đi kèm với quyền hoặc nghĩa vụ được xác lập (ví dụ: Lệ phí cấp giấy chứng minh nhân dân, Lệ phí đăng ký hộ khẩu, lệ phí cấp giấy phép xây dựng,…).

Việc phân biệt rõ ràng hai loại khoản thu này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách tài chính công, bảo đảm minh bạch tài chính, phù hợp bản chất pháp lý của dịch vụ được cung cấp, đồng thời tạo cơ sở cho việc quản lý, thu – chi và sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý, hiệu quả và đúng luật.

2. Chính sách về phí, lệ phí tại Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Điều 29 Nghị quyết số 222/2025/QH15 ngày 27/6/2025 của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam quy định như sau:

“Điều 29. Chính sách về phí, lệ phí

1. Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm: phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

2. Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động của các Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát, tất cả các khoản thu phí, lệ phí phát sinh từ việc vận hành và hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế được để lại ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng trong thời gian không quá 10 năm kể từ khi Trung tâm tài chính quốc tế được thành lập để đầu tư hệ thống hạ tầng của Trung tâm tài chính quốc tế.”

Chính sách về phí và lệ phí áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định trên đã thể hiện rõ cơ chế phân cấp mạnh mẽ, linh hoạt, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ tài chính cho địa phương trong khuôn khổ thể chế đặc thù.Cụ thể, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng được trao quyền quyết định toàn diện liên quan đến việc thu, miễn, giảm, điều chỉnh mức phí, lệ phí phát sinh trên địa bàn Trung tâm, bao gồm cả các loại phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành theo Luật Phí và lệ phí.

Đáng chú ý, chính sách hnày còn thiết lập cơ chế ưu tiên nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng tại Trung tâm tài chính quốc tế, thông qua quy định về việc toàn bộ phần thu từ phí, lệ phí (sau khi khấu trừ chi phí hoạt động của các cơ quan quản lý) được để lại ngân sách địa phương trong thời gian tối đa 10 năm. Đây là cơ chế có tính đột phá, khuyến khích địa phương chủ động thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý tài khóa và tăng cường đầu tư vào các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động tài chính – kinh tế cao cấp tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Như vậy, chính sách về phí, lệ phí không chỉ đơn thuần là quy định thu – chi hành chính mà còn là công cụ tài khóa quan trọng góp phần tạo lập môi trường đầu tư cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hỗ trợ sự hình thành, phát triển toàn diện của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý